Xã Phượng Dực: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Phượng Dực được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Phượng Dực, Văn Hoàng, Hoàng Long, Phú Túc, Hồng Minh (huyện Phú Xuyên).
Lý do lấy tên mới là xã Phượng Dực bởi Phượng Dực là một xã thuộc huyện Phú Xuyên. Về lịch sử, tên gọi Phượng Dực có từ năm Canh Thân (1620). Trải qua thời gian, nơi đây vẫn luôn là ngôi làng giàu truyền thống khoa bảng, văn chương và là vùng đất mang nhiều trầm tích văn hóa.
Việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Phượng Dực đảm bảo nguyên tắc đặt tên đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã mới; hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Phượng Dực.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Phượng Dực
Xã Phượng Dực giáp các xã: Thượng Phúc, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chuyên Mỹ, Dân Hòa, Vân Đình, Ứng Thiên của thành phố Hà Nội. Xã Phượng Dực có diện tích tự nhiên là 44,69 km2; quy mô dân số là 60.281 người.
Xã Phượng Dực được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Phượng Dực, Văn Hoàng, Hoàng Long, Phú Túc, Hồng Minh (huyện Phú Xuyên).
Xã Hồng Minh (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 9,46 km2; Quy mô dân số: 14.002 người.
Xã Phượng Dực (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 6,58 km2; Quy mô dân số: 10.292 người.
Xã Phú Túc (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 7,85 km2; Quy mô dân số: 10.250 người.
Xã Văn Hoàng (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 10,22 km2; Quy mô dân số: 14.767 người.
Xã Hoàng Long (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 10,58 km2; Quy mô dân số: 10.970 người.
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Phượng Dực
Xã Phượng Dực nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, nằm trên trục giao thông kết nối xã Phú Xuyên, Thượng Phúc và các khu vực lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và vận chuyển hàng hóa. Hạ tầng giao thông đường bộ tại địa phương ngày càng được cải thiện, với các tuyến quốc lộ chính như quốc lộ 1A, 1B và quốc lộ 10, giúp kết nối thuận tiện giữa trung tâm xã với các địa phương khác.
Theo quy hoạch đô thị đến năm 2030-2050, Phượng Dực sẽ có các khu đô thị mới với nhiều tiện ích và cơ sở hạ tầng phục vụ nâng cao chất lượng sống cho người dân, là điểm đến giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư và người mua bán bất động sản.
Đặc điểm kinh tế xã Phượng Dực
Để thúc đẩy kinh tế, ngành thương mại, dịch vụ logistics và dịch vụ, Phượng Dực đang nỗ lực quảng bá các sản phẩm làng nghề qua nền tảng thương mại điện tử, giúp người dân kết nối với thị trường rộng lớn hơn.
Các giá trị văn hóa làng nghề, di sản được phát huy trở thành động lực phát triển của vùng. Đồng thời, xã xây dựng các mô hình phát triển có sức cạnh tranh như: kinh tế làng nghề, làng nghề du lịch. Các làng nghề trên địa bàn xã không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người dân trong xã. Cây cỏ tế cùng với lịch sử hàng trăm năm thăng trầm đang biến một vùng quê nghèo thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế của Thủ đô.
Đến nay, làng nghề mây tre đan, cỏ tế Phú Túc đã xuất khẩu đi các thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia và các nước Trung Đông.
Về nông nghiệp, xã Phượng Dực phát triển nông nghiệp nâng cao, chủ động chuyển đổi cây trồng đồng thời chú trọng dồn điền đổi thửa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị sản lượng thông qua sản xuất nông sản năng suất cao. Bên cạnh đó, địa phương đang đẩy mạnh quản lý đất đai, hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng, cấp sổ đỏ cho người dân và triển khai các quy hoạch vùng nông nghiệp rõ ràng .
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Phượng Dực
Phượng Dực có nhiều di tích lịch sử, văn hóa truyền thống, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Những lễ hội, phong tục tập quán truyền thống tại xã cũng thu hút khách du lịch.
Xã Phượng Dực là địa phương có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa thông qua các nghề truyền thống. Các làng nghề nơi đây không chỉ sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ dùng sinh hoạt mà còn là không gian lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Hoạt động làng nghề góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy an sinh xã hội.
Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như nặn tò he ở làng Xuân La, đây là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng, nơi mà nghệ thuật và đời sống thường nhật hòa quyện, một minh chứng cho sự bền bỉ của văn hóa dân gian Việt Nam.
Cùng với hệ thống y tế tuyến trên, hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trạm y tế xã phối hợp cùng các ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Chương trình tiêm chủng mở rộng, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được thực hiện tốt; 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng phòng bệnh đúng định kỳ, duy trì đạt các tiêu chí quốc gia về y tế,…
Hệ thống giáo dục của địa phương được phát triển đồng bộ với đầy đủ các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập hiệu quả, góp phần hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục các bậc học. Đặc biệt, ở bậc mầm non, địa phương đã xây dựng các phòng học ứng dụng phương pháp Montessori, giáo dục STEM và các phương pháp giảng dạy hiện đại, giúp trẻ phát triển toàn diện ngay từ những năm đầu đời.
Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Phượng Dực: Thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực (địa chỉ cũ: thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên).
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phượng Dực: đồng chí Lê Văn Bính.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phượng Dực: đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phượng Dực: đồng chí Nguyễn Thị Ánh.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây