Xăm mình có thể là mầm mống gây ung thư

Một nghiên cứu mới của Đại học Lund ở Thụy Điển cho thấy hình xăm có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư hệ bạch huyết hoặc ung thư hạch. Từ đó, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu sâu thêm về chủ đề này.

Việc xăm mình tồn tại nhiều rủi ro cho sức khỏe

Việc xăm mình tồn tại nhiều rủi ro cho sức khỏe

Sự hiểu biết của chúng ta về tác động lâu dài của hình xăm đến sức khỏe hiện nay còn rất hạn chế và có rất ít nghiên cứu trong lĩnh vực này. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Lund đã kiểm tra mối liên hệ tiềm ẩn giữa hình xăm và ung thư hạch.

Christel Nielsen, nhà nghiên cứu tại Đại học Lund, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã xác định được những người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch thông qua hồ sơ dân số. Những người này sau đó được ghép với một nhóm đối chứng cùng giới tính và độ tuổi, nhưng không bị có dấu hiệu mắc ung thư hạch. Tiếp đó, những người tham gia nghiên cứu ở cả hai nhóm sẽ cùng trả lời một bảng câu hỏi về các yếu tố lối sống để xác định xem họ có xăm mình hay không”.

Tổng cộng, toàn bộ người trong dữ liệu nghiên cứu là 11.905 người. Trong số này, 2.938 người mắc bệnh ung thư hạch khi họ ở độ tuổi từ 20 đến 60. Trong đó, có 1.398 người đồng ý trả lời bảng câu hỏi, trong khi số người tham gia nhóm đối chứng là 4.193. Trong nhóm mắc bệnh ung thư hạch, 21% được xăm mình (289 người), trong khi 18% được xăm ở nhóm đối chứng không phát hiện ung thư hạch (735 người).

Những phát hiện về nguy cơ xăm mình và ung thư hạch

Christel Nielsen cho biết: “Sau khi tính đến các yếu tố liên quan khác, chẳng hạn như hút thuốc và tuổi tác, chúng tôi nhận thấy nguy cơ phát triển ung thư hạch cao hơn 21% ở những người có hình xăm. Điều quan trọng cần nhớ là ung thư hạch là một căn bệnh hiếm gặp và kết quả của chúng tôi áp dụng ở cấp độ nhóm. Các kết quả hiện nay cần được xác minh và tìm hiểu sâu hơn trong các nghiên cứu khác bên cạnh các nghiên cứu cùng chủ đề vẫn đang được tiến hành”.

Một giả thuyết mà nhóm của Christel Nielsen đưa ra trước khi thực hiện nghiên cứu là kích thước của hình xăm sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư hạch. Họ nghĩ rằng hình xăm lớn, kiểu toàn thân có thể có gây nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với một hình xăm nhỏ, chẳng hạn con bướm hay bông hoa trên vai. Thật bất ngờ, diện tích bề mặt hình xăm hóa ra không quan trọng.

Christel Nielsen thừa nhận: “Chúng tôi vẫn chưa biết tại sao lại như vậy. Người ta chỉ có thể suy đoán rằng một hình xăm, bất kể kích thước, đều gây ra tình trạng viêm nhiễm ở mức độ nhẹ trong cơ thể, từ đó có thể gây ra ung thư. Do đó, câu chuyện phức tạp hơn chúng tôi nghĩ ban đầu”.

Hầu hết mọi người có hình xăm đầu tiên khi còn trẻ, điều đó có nghĩa là họ dính với mực xăm trong phần lớn cuộc đời. Mặc dù vậy, nghiên cứu mới chỉ sơ lược về những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe do hình xăm.

Christel Nielsen phân tích: “Chúng ta đã biết rằng khi mực xăm được tiêm vào da, cơ thể sẽ nhận diện đây là thứ gì đó lạ không nên xuất hiện ở đó và hệ thống miễn dịch được kích hoạt. Một phần lớn mực được vận chuyển khỏi da đến các hạch bạch huyết để lắng đọng mực”.

Nhóm nghiên cứu hiện sẽ tiến hành tìm hiểu xem liệu có mối liên hệ nào giữa hình xăm và các loại ung thư khác hay không. Họ cũng muốn nghiên cứu sâu hơn về các bệnh viêm nhiễm khác để xem liệu có mối liên hệ nào với hình xăm hay không.

Christel Nielsen kết luận: “Mọi người dù thế nào vẫn sẽ tiếp tục thể hiện dấu ấn bản thân thông qua hình xăm. Do vậy, điều rất quan trọng là chúng ta phải tìm cách giúp việc xăm trở nên an toàn hơn. Đối với mỗi cá nhân, tốt nhất là phải ý thức được rằng hình xăm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và bạn nên liên hệ với nhà cơ sở y tế nếu gặp phải các triệu chứng mà bạn tin rằng có thể liên quan đến hình xăm của mình”.

Kelli Moseman, nhà nghiên cứu hóa học tại Đại học Binghamton ở New York và các đồng nghiệp đã phân tích 54 loại mực xăm từ 9 nhãn hiệu khác nhau được sử dụng ở Mỹ. Moseman và các đồng nghiệp làm điều này sau khi nhận thấy rằng một số loại mực mà họ đã sử dụng trong các nghiên cứu trước đây có chứa các chất không được liệt kê trên bao bì.

Khi thử nghiệm các loại mực có nguồn gốc từ các công ty toàn cầu đến các nhà sản xuất nhỏ lẻ, các nhà nghiên cứu phát hiện điều khá lo ngại. Kết quả cho thấy 45 trong số 54 loại mực mà họ tiến hành phân tích hóa học, có chứa các chất không ghi trên bao bì, như chất tạo màu hoặc chất phụ gia. Một số nhãn mực lại liệt kê các chất phụ gia mà thực ra nó không hề có, chẳng hạn 36 loại mực xăm ghi có chứa glycerol nhưng chất này chỉ được phát hiện trong 29 loại mự

Mực xăm, đặc biệt là màu đỏ, có thể gây ra phản ứng dị ứng như sưng, ngứa và phồng rộp nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi được tiêm vào cơ thể lần đầu. Nhưng nếu các thành phần trong mực xăm không được liệt kê trên bao bì sản phẩm, việc đi tìm nguyên nhân có thể gây ra các phản ứng, sẽ càng trở nên khó khăn.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/xam-minh-co-the-la-mam-mong-gay-ung-thu-217775.html