Xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ xây dựng, ban hành chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số về nước làm việc.
Ngày 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, đã chủ trì phiên họp lần thứ 3 sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, thông tin từ Báo Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 7 này.
Song song đó, Bộ Nội vụ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong và ngoài nước; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc, hoàn thành trong tháng 8 năm nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung 4 luật, bao gồm: Luật Chuyển đổi số, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Công nghệ cao (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); sửa đổi Nghị định số 82/2024 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, bảo đảm thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận tiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần đề xuất cơ chế khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai các sản phẩm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học; triển khai Chiến lược thu hút nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Thủ tướng yêu cầu Bộ hoàn thành các nhiệm vụ trên trong tháng 9.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục triển khai hạ tầng số, phủ sóng 5G toàn quốc gắn với việc thúc đẩy triển khai Internet vệ tinh; khẩn trương khắc phục tình trạng các thôn, bản lõm sóng, thiếu điện.
Về dữ liệu số, Thủ tướng giao Bộ Công an đôn đốc các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai 116 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là 11 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Bộ Công an cần trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ người dân và doanh nghiệp gắn với dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, hoàn thành trong tháng 8.
Bộ Xây dựng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và 6 thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, xây dựng, phê duyệt Đề án đô thị thông minh trong tháng 7 này và tổ chức triển khai ngay trong năm nay.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP. Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các giải pháp để đạt quy mô kinh tế số đạt 20% GDP vào cuối năm nay.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị mỗi bộ, ngành, địa phương lựa chọn một tổng công trình sư về công nghệ thông tin, một tổng công trình sư về nghiệp vụ phối hợp Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và doanh nghiệp công nghệ để xây dựng kiến trúc và chiến lược chuyển đổi số của bộ, ngành mình.
Giá trị xuất khẩu sản phẩm số nửa đầu năm ước đạt trên 78 tỷ USD
Trước đó, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp đã thống nhất đánh giá, công tác đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 thời gian qua có những chuyển biến tích cực.
Trong đó, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có nhiều chuyển biến với công bố quốc tế tăng 9%, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn như khoa học máy tính, toán học, y học...; cấp 849 giấy chứng nhận kết quả nghiên cứu.
Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ 5G trên toàn quốc, đã lắp đặt 15.000 trạm 5G. Tốc độ internet di động tăng mạnh, vào top 20 thế giới. Dự án Trung tâm Dữ liệu quốc gia dự kiến khai trương đi vào vận hành ngày 19/8.
Công tác quản lý thuế, hóa đơn điện tử cũng được triển khai quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Đến nay, đã có 109.800 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng với 2,1 tỷ hóa đơn điện tử. Thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số đạt 98 nghìn tỷ đồng, tăng 58%.
Đáng chú ý, kinh tế số có bước phát triển khá, với giá trị xuất khẩu sản phẩm số ước đạt 78,1 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 45,4% về số lượng và 25,2% về giá trị; 70% người tiêu dùng tại các thành phố lớn đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hằng ngày.
Ngoài ra, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng dành cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hạ tầng chiến lược đang được triển khai tích cực. Thương mại điện tử có bước phát triển mạnh, tăng trưởng khoảng 22 - 25%.