Xây dựng đội ngũ cán bộ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

BHG - Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã trở thành mục tiêu chiến lược của cấp ủy, chính quyền tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh ta xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.

Cán bộ Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trao đổi nghiệp vụ.

Cán bộ Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trao đổi nghiệp vụ.

Thực tế cho thấy, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp “vừa hồng, vừa chuyên”, có nhân cách, hội tụ năng lực tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn để trở thành những nhân tố chính trong phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN, thực hiện tốt nhiệm vụ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay. Do đó, tỉnh ta đã và đang tích cực, chủ động thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý với nhiều nội dung phong phú, như: Đào tạo trình độ lý luận chính trị (LLCT), chuyên môn, bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch cấp ủy viên các cấp, cập nhật kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ theo vị trí chức danh cấp ủy viên, cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế; đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về các chuyên ngành, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng giảng dạy cho giảng viên Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị 11/11 huyện, thành phố...

Lãnh đạo UBND xã Liên Hiệp (Bắc Quang) động viên nhân dân phát triển kinh tế.

Lãnh đạo UBND xã Liên Hiệp (Bắc Quang) động viên nhân dân phát triển kinh tế.

Hiện nay, toàn tỉnh có 4.920 cán bộ là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện; 1.977 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã. Trong đó, có 384 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý. Tại cấp tỉnh, huyện, số cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 30,13%; tỷ lệ người có trình độ chuyên môn tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II chiếm 0,54%; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I chiếm 13,59%; trình độ đại học chiếm 83,35%, trình độ cao đẳng, trung cấp chỉ chiếm 2,54%. Riêng trình độ cử nhân, cao cấp LLCT có 862 đồng chí, chiếm 29,3%; trung cấp LLCT 1.867 đồng chí, chiếm 63,4%. Theo đánh giá của cấp ủy tỉnh, thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã hình thành tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, có trình độ LLCT, kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đóng góp vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng LLCT, chuyên môn, nghiệp vụ phát triển cả về số lượng và chất lượng; song, cấp ủy tỉnh cũng thẳng thắn nhận diện không ít “nút thắt” cần tháo gỡ. Trong đó, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng quy chế dân chủ, chưa tạo điều kiện cho cán bộ tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng. Một bộ phận cán bộ chưa phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, chưa chủ động, tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng hoặc đi học chỉ để có bằng cấp đối phó với tiêu chuẩn chức danh cán bộ... Điều này dẫn đến hệ lụy: Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chức danh, vị trí việc làm; chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch, sử dụng cán bộ. Không ít cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, không đủ trình độ để vận dụng kiến thức được học vào giải quyết công việc thực tiễn. Ngoài ra, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng ở một số cơ sở chậm đổi mới, bổ sung, còn trùng lặp, chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý...

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, hiện nay, tỉnh ta đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong đó, trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đảm bảo chất lượng, số lượng, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh cán bộ; kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng LLCT... Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ là cấp ủy viên, lãnh đạo, quản lý cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 60% cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn sau đại học; 15% cán bộ là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ các cấp được bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế; 100% cán bộ lãnh đạo, công chức quản lý diện các sở, ban, ngành, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, LLCT từ trung cấp trở lên, trong đó 50% có trình độ cao cấp LLCT; 100% cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới và bồi dưỡng theo vị trí chức danh...

Thông qua những mục tiêu chiến lược cùng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy tỉnh, đội ngũ cán bộ các cấp nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc tiếp tục được trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động công vụ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nên đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202204/xay-dung-doi-ngu-can-bo-uy-tin-ngang-tam-nhiem-vu-a27626f/