Xây dựng gia đình hạnh phúc góp phần kéo giảm bạo lực

Trong mọi thời đại, gia đình luôn là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Tuy nhiên, trong thực tế, định kiến giới, tư tưởng 'trọng nam, khinh nữ' vẫn còn tồn tại, là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, để lại hệ lụy nặng nề.

Một tiểu phẩm tuyên truyền tại hội thi CLB gia đình tiêu biểu. Ảnh: NGA SƠN

Một tiểu phẩm tuyên truyền tại hội thi CLB gia đình tiêu biểu. Ảnh: NGA SƠN

Thời gian qua, các cấp, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm làm thay đổi nhận thức và hành động của các cá nhân trong xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Chuyển biến về nhận thức và hành động

Bên cạnh mục đích liên kết các thành viên, thúc đẩy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, vừa chăm sóc, vừa phát huy vai trò người cao tuổi, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ấp Trần Cao Vân (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) còn có vai trò tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thảo hiền.

Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ấp Trần Cao Vân Trần Thị Xuân Tuyết cho biết, CLB hiện có 30 thành viên gồm đủ mọi lứa tuổi, từ thanh niên đến người cao tuổi tham gia. Hiện tại, CLB định kỳ hàng quý sinh hoạt một lần. Nội dung sinh hoạt của CLB khá linh hoạt. Ngoài việc phổ biến các chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực gia đình, các thành viên trong CLB mỗi lần gặp gỡ chia sẻ về những tình huống xoay quanh mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, giữa các con với nhau, cha mẹ - con dâu, con rể, ông bà - cháu… Các ý kiến tham gia đóng góp đều hướng đến việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ, giúp cho gia đình yên ấm, thuận hòa.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL NGUYỄN THỊ MỘNG BÌNH cho rằng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình. Một gia đình hạnh phúc không chỉ cần sự vun vén của người vợ, mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm của người chồng và các thành viên trong gia đình.

Với số lượng khoảng 1 ngàn CLB gia đình phát triển bền vững, CLB gia đình hạnh phúc, CLB phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở đang hoạt động trên địa bàn đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa. Các buổi sinh hoạt CLB gia đình đều lồng ghép nội dung chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình; kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc người cao tuổi, nuôi dạy con ngoan, hòa giải mâu thuẫn gia đình...

Là một trong những thành viên trẻ tuổi của CLB Gia đình hạnh phúc ấp 3, xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), anh Nguyễn Huỳnh Quang Anh cho rằng, dù xã hội thay đổi như thế nào đi nữa thì giá trị truyền thống gia đình vẫn không thay đổi. Khi tham gia CLB, anh biết trân quý khoảng thời gian bên gia đình, biết cách bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ trước khi quá muộn...

Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh, thượng tá Nông Thị Minh Huệ cho biết, thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh luôn quan tâm đến công tác gia đình, trẻ em. Cùng với công tác tuyên truyền, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã tham mưu tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về công tác gia đình. Nhờ đó, từng cán bộ, chiến sĩ đã phát huy được trách nhiệm, vai trò của mình trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Hàng năm, có hơn 90% gia đình cán bộ, chiến sĩ đạt chuẩn gia đình văn hóa tại địa bàn dân cư.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, mới đây, Sở VH-TTDL và Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức hội thi CLB gia đình tiêu biểu. 11 CLB gia đình tiêu biểu đến từ các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đem đến hội thi nhiều sản phẩm truyền thông ý nghĩa. Mỗi sản phẩm truyền thông là một sự việc có thật trong cuộc sống.

Chẳng hạn như đơn vị H.Thống Nhất đem đến hội thi tiểu phẩm Chuyện gia đình tôi. Câu chuyện kể về một gia đình có 3 chị em, cha mẹ đã mất. Người con trai thứ 2 sống ở thành phố, trước đây ít quan tâm đến gia đình và việc nhang khói cho cha mẹ, nhưng khi mảnh đất của cha mẹ để lại có giá trị thì trở về đòi chia tài sản. Người chị khuyên can thì người này đòi kiện ra tòa. Chỉ đến khi người em trai là thương binh, bao năm gắn bó với mảnh đất cha mẹ để lại lên tiếng: "Không có tòa án nào bằng tòa án lương tâm", người anh mới tỉnh ngộ và dừng lại ý định tranh chấp tài sản.

Hay tiểu phẩm Tác hại của việc cha mẹ thờ ơ với con cái của đơn vị H.Vĩnh Cửu cũng phản ánh phần nào thực trạng của các gia đình hiện nay. Cha mẹ luôn bận rộn với guồng quay công việc, không có thời gian dành cho gia đình, các con. Họ chỉ nghĩ cố gắng làm việc, cho con một cuộc sống đủ đầy về vật chất để con không thua thiệt với bạn bè mà quên đi những đứa trẻ luôn cần sự quan tâm, gần gũi, chăm sóc của cha mẹ. Thông điệp đơn vị muốn gửi đến người xem chính là các bậc cha mẹ hãy quan tâm hơn đến con của mình, đừng để con bơ vơ.

Nhiều tiểu phẩm cũng đã phản ánh tình trạng bạo lực gia đình, gia đình ly tán xuất phát từ tình trạng nghiện ngập rượu bia, định kiến giới, tư tưởng "trọng nam khinh nữ", thói gia trưởng "chồng chúa vợ tôi"…

Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) Trương Thị Ngọc Hạnh cho hay, địa bàn xã Xuân Phú có đông đồng bào dân tộc. Việc tuyên truyền đơn thuần không hiệu quả bằng trực quan. Do đó, qua cuộc thi, bà đã có thêm nhiều tiểu phẩm hay để tuyên truyền cho người dân trên địa bàn xã.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202311/xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc-gop-phan-keo-giam-bao-luc-57f5dde/