Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em

Vụ việc bé gái ba tuổi rơi xuống từ căn hộ tầng 12A của một tòa chung cư tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), may mắn được cứu kịp thời, không nguy hiểm tới tính mạng… một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ toàn diện, không chỉ chuyện dinh dưỡng, học hành, mà còn phải phòng ngừa tối đa nguy cơ gây thương tích, tổn hại cho trẻ…

Vụ việc bé gái ba tuổi rơi xuống từ căn hộ tầng 12A của một tòa chung cư tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), may mắn được cứu kịp thời, không nguy hiểm tới tính mạng… một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ toàn diện, không chỉ chuyện dinh dưỡng, học hành, mà còn phải phòng ngừa tối đa nguy cơ gây thương tích, tổn hại cho trẻ…

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là do không ít người dân đang thiếu kỹ năng sống tại môi trường chung cư, nhà cao tầng; kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích, nhất là gia đình có con nhỏ chưa thật sự chú ý… Mặc dù, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn rơi, ngã thương tâm của trẻ nhỏ, nhưng dường như sau mỗi lần cảnh báo tất cả “đâu lại vào đấy”. Nhiều gia đình có con nhỏ ở chung cư, nhà cao tầng vẫn chủ quan không thực hiện các biện pháp an toàn, che chắn trước cửa sổ, ban công - những nơi được coi là đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.

Trên thực tế, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với một loạt các danh mục về chung cư; về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe, an toàn cháy nổ cho nhà và công trình…, trong đó, các yêu cầu kỹ thuật về ban công chung cư cũng đã được nghiên cứu, cân nhắc, nhằm bảo đảm an toàn sinh mạng, phù hợp điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam và bảo đảm khả năng cứu nạn, cứu hộ và tự thoát nạn khi xảy ra cháy. Tuy nhiên, việc sử dụng ban công, lô gia của các chung cư, nhà cao tầng, nhất là ở những gia đình có con nhỏ, cần được mỗi cá nhân, gia đình quan tâm hơn nữa để tránh những tai nạn đáng tiếc…

Ngay sau vụ việc nêu trên, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có công văn yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã từ nhà cao tầng, chung cư. Cụ thể, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng. Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị chết do tai nạn, thương tích. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Đặc biệt, cần nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ... Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Nhật Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/xay-dung-moi-truong-song-an-toan-cho-tre-em--637696/