Xây dựng môi trường y tế thân thiện với người cao tuổi

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Ðiều này không chỉ tác động tới người cao tuổi (NCT) mà còn tác động sâu rộng tới tất cả các nhóm dân số và toàn xã hội, đòi hỏi cần sớm có những chính sách thích ứng với tiến trình già hóa dân số đó.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi ở xã Văn Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Khám sức khỏe cho người cao tuổi ở xã Văn Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Theo điều tra, khảo sát của Ủy ban quốc gia về NCT Việt Nam, có 72,3% số NCT ở Việt Nam sống cùng con, cháu, nhưng tình trạng NCT sống độc thân chiếm tỷ lệ cao; trong đó, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân cao gấp 2,2 lần so với nam giới. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với NCT bởi theo quan niệm của người Á Ðông, bao gồm cả người Việt Nam, gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già. Một số ít NCT rơi vào hoàn cảnh dù sống liền với con, cháu, nhưng sự cách biệt về tuổi tác, thế hệ khiến NCT và con cái không có tiếng nói chung, làm cho NCT sống thu mình, trở nên cô đơn trong chính gia đình của họ. Cô đơn, tuổi già là hai yếu tố cộng hưởng khiến cho NCT gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính.

NCT tại Việt Nam sống tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn và làm nông nghiệp (chiếm 68%), đời sống vật chất còn nhiều khó khăn kéo theo việc phải đối mặt với nhiều bệnh tật. Các nghiên cứu cho thấy trên quy mô cả nước, mỗi NCT mắc ba bệnh mãn tính (bệnh tật kép) như bệnh tim, bệnh phổi, sa sút trí tuệ và có nguy cơ dẫn đến tàn phế do quá trình lão hóa. Theo một điều tra của Bệnh viện Lão khoa T.Ư đối với 610 NCT hơn 80 tuổi ở Sóc Sơn (Hà Nội) thì trung bình một NCT mắc 6,9 bệnh. Việc điều trị bệnh trong hệ thống y tế cho NCT cũng rất tốn kém, chi phí điều trị lớn, tăng rất nhiều so với những người nhóm tuổi trẻ hơn. Gánh nặng bệnh tật kép đang đe dọa nguồn ngân sách vốn đã eo hẹp đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Do đó, NCT cần được chăm sóc toàn diện cả về mặt thể chất, sức khỏe và tinh thần. Như vậy, cần tăng cường đầu tư, cải thiện hệ thống sức khỏe ban đầu, lồng ghép chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội cho NCT. Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường thân thiện cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp NCT có thể sống vui vẻ, mạnh khỏe và có cơ hội học tập suốt đời. Môi trường thân thiện với NCT được hiểu là tất cả những gì tiện lợi, hỗ trợ cho cuộc sống, sinh hoạt, ở đó, NCT cảm thấy họ được quan tâm, được bảo vệ và tôn trọng.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), môi trường thân thiện giúp cho sự già hóa khỏe mạnh thông qua việc hỗ trợ, duy trì và phát triển năng lực nội tại của mỗi người, sao cho NCT với năng lực nội tại khác nhau đều có thể phát huy khả năng hoạt động và đạt được những giá trị riêng của chính mình. Tại hội thảo xây dựng môi trường và hệ thống chăm sóc y tế thân thiện với NCT được tổ chức mới đây, bác sĩ V.DL Phuên-tê (Văn phòng WHO tại Việt Nam) cho rằng: Ðể lão hóa lành mạnh thì NCT cần có môi trường sống thân thiện, tích cực, có sức khỏe tốt sẽ thêm năm tháng đáng sống. "Lão hóa lành mạnh" ở NCT là quá trình phát triển và duy trì năng lực chức năng để giữ được sức khỏe khi về già. Bà V.DL. Phuên-tê cho rằng, chúng ta đang có cơ hội rất tốt để đóng góp vào một thập kỷ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT giai đoạn 2020-2030. Thập kỷ này sẽ xây dựng sự kết nối và hợp tác từ vấn đề trung tâm cho đến từng bước đi, có sự gắn kết chặt chẽ với chính NCT.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển phải mất nhiều thập kỷ, có nước phải mất hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Tuy nhiên, theo dự báo, Việt Nam chỉ mất từ 15 đến 20 năm chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Tính đến năm 2018, Việt Nam có 18 triệu NCT, chiếm 17,5% dân số. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ lên tới 32 triệu, chiếm 31% dân số. Khi ấy, Việt Nam sẽ trở thành một nước có dân số siêu già.

Hiện nay, toàn quốc mới có 51 tỉnh, thành phố phê duyệt Ðề án chăm sóc sức khỏe NCT và lập kế hoạch thực hiện. Thực tế tại các địa phương cho thấy công tác xã hội hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe NCT còn gặp nhiều khó khăn, chưa có chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư. Trên cơ sở đó, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề xuất triển khai thí điểm một số mô hình chăm sóc dài hạn tại địa phương. Ðể triển khai các mô hình đó, cần có những cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Y tế để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT. Tổng cục cũng sẽ đề nghị các tổ chức quốc tế, nhất là WHO hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí tổ chức, xây dựng, thực hiện đề án chăm sóc sức khỏe NCT; hỗ trợ triển khai thí điểm xây dựng môi trường thân thiện với NCT ở vài địa phương và hỗ trợ tập huấn cho giảng viên tuyến tỉnh…

Thanh Mai

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41723102-xay-dung-moi-truong-y-te-than-thien-voi-nguoi-cao-tuoi.html