Xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm chuyển đổi số của vùng

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng trung du miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch vùng), Thái Nguyên được chọn để phát triển thành trung tâm chuyển đổi số (CĐS) của vùng.

Các đại biểu thăm quan Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh. Ảnh tư liệu

Các đại biểu thăm quan Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh. Ảnh tư liệu

Theo ông, việc xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của vùng sẽ mở ra cơ hội như thế nào cho sự phát triển của tỉnh và Sở sẽ tập trung tham mưu cho tỉnh những nhiệm vụ trọng tâm nào để sớm đạt được mục tiêu nêu trên?

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng, tỉnh ta đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về CĐS để kịp thời nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng 4.0 cho sự phát triển của địa phương. Nghị quyết đề ra mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành Trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.

Còn theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023, mục tiêu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao, trong đó, CĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng trong quy hoạch với phương hướng phát triển là: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đây mở ra cơ hội, con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội để Thái Nguyên tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển.

Với quyết tâm chính trị cao, Sở TT-TT đã tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh quá trình CĐS. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nhận thức về CĐS; xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Về phát triển chính quyền số, hạ tầng số, các nền tảng số, ứng dụng, cơ sở dữ liệu của tỉnh; phát triển kinh tế số, xã hội số; các dự án về CĐS; tập trung triển khai CĐS tại các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời chú trọng bảo đảm an toàn thông tin...

Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của vùng là phát triển hạ tầng khu công nghệ thông tin, hình thành trung tâm dữ liệu lớn vùng. Việc chủ động thu hút đầu tư vào lĩnh vực này được tỉnh triển khai ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Tỉnh đã mời gọi, liên kết, hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn tham gia vào quá trình CĐS; ký hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội cùng nghiên cứu và đề xuất một số nội dung, giải pháp về CĐS trong quản lý đầu tư bất động sản; triển khai giải pháp xây dựng chính quyền điện tử và phát triển đô thị thông minh; phát triển kinh tế số và thương mại điện tử, đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh mời các nhà đầu tư lớn để hợp tác đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó ưu tiên đầu tư các lĩnh vực: sản xuất phần cứng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, các sản phẩm điện tử, các sản phẩm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CĐS.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình CĐS tỉnh đã tạo nền tảng như thế nào trong việc sớm xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của vùng, thưa ông?

Nghị quyết số 01 đã đi vào cuộc sống và lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong hệ thống chính trị, toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cũng nhờ đó, việc triển khai nhiều chương trình, đề án mang lại hiệu quả tích cực, trong đó có Đề án 06. Hiện, tỉnh đã hoàn thành tích hợp triển khai 53/53 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí. Cùng với đó, gần 90% đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh đăng ký cài đặt, ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử. Ứng dụng C-ThaiNguyen nhanh chóng, hiện đại giúp kết nối tương tác hai chiều giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính, thông suốt; 100% xóm, tổ dân phố đã được kết nối internet băng thông rộng. Tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,8%...

Hiện, toàn tỉnh có 5.079 doanh nghiệp công nghệ số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh năm 2023 là 31,4%, đứng thứ 3/61 tỉnh, thành phố cả nước. Đây được coi là bước phát triển mang tính đột phá về kinh tế số của tỉnh. Những kết quả đã đạt được trong công tác CĐS thời gian qua đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển chung của tỉnh, tạo tiền đề vững chắc sớm đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của vùng.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202406/xay-dung-thai-nguyen-thanh-trung-tamchuyen-doi-so-cua-vung-26e0fce/