Xây dựng văn hóa chung cư: Việc khó phải làm

Hà Nội hiện có gần 1.000 chung cư, do đó vấn đề xây dựng văn hóa chung cư đang được đặt ra rất cấp bách. Hiện, thành phố đã triển khai thực hiện các mô hình điểm xây dựng văn hóa chung cư cho thấy những tín hiệu đáng mừng, bởi đây là việc khó nhưng nhất định phải làm.

Các chung cư ở Hà Nội được xây dựng nhanh chóng, mạnh mẽ khoảng vài chục năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của một bộ phận người dân trong quá trình đô thị hóa. Các chung cư không chỉ là nơi cư trú của người dân Hà Nội mà còn là của cộng đồng người đến từ nhiều vùng địa lý với những nét văn hóa, trình độ dân trí khác nhau.

Sự khác biệt về nếp sống, cách ứng xử của một bộ phận cư dân trong đó làm nảy sinh những chuyện "khóc dở, mếu dở", điển hình là: Ném rác từ tầng cao xuống sân chung; đổ nước thải từ trên tầng cao xuống dưới; đổ rác sai quy định gây ô nhiễm; mang theo vật dụng cồng kềnh vào thang máy giờ cao điểm; hoặc chen lấn để được lên, xuống thang máy nhanh hơn, rồi va vào nhau dẫn đến to tiếng, cãi cọ; sử dụng thang máy để dỗ trẻ lười ăn… không phải chuyện hiếm. Ở những khu chung cư tái định cư hoặc nhà ở xã hội, do mật độ căn hộ dày đặc, nên những chuyện này xảy ra khá phổ biến.

Cảnh chen lấn để lên hoặc xuống thang máy diễn ra ở ở nhiều chung cư

Cảnh chen lấn để lên hoặc xuống thang máy diễn ra ở ở nhiều chung cư

Chẳng hạn cư dân chung cư Bemes Hà Đông từng có lần hoảng loạn khi phát hiện khói bốc mù mịt từ ban công căn hộ tầng 12, sau khi mùi khét lẹt lan ra khắp khu nhà. Trong khi đó, chủ nhân của căn hộ lại không có ở nhà, cửa khóa, hàng xóm không biết rõ về nhau nên cũng chẳng ai biết số điện thoại của chủ nhà để liên hệ. Cuối cùng, Ban quản lý tòa nhà buộc phải gọi chính quyền đến để làm chứng, lập biên bản, phá khóa vào nhà để dập tắt đám cháy khi ấy đã lan rộng khắp lan can, bén cả vào đồ đạc trong nhà.

Chính vì thế, để thúc đẩy xây dựng văn hóa chung cư nói riêng, văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng, nhiều quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Thanh Xuân... đã xây dựng các mô hình điểm "Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung". Điều đặc biệt là những mô hình này đều hướng tới các tiêu chí cụ thể như: Tôn trọng không gian chung; ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; Quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em; Tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường; Không phá cây xanh, hoa cỏ, xâm hại cảnh quan; Không nói to, gây ồn ào mất trật tự, không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế bừa bãi, không xả rác, chất thải trái nơi quy định; Không tự tiện sử dụng không gian chung vào mục đích cá nhân...

Tiêu biểu như cách làm của khu chung cư CT1.2 (thuộc tổ dân phố số 23B, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân). Các cán bộ, tổ chức đoàn thể trong tòa chung cư đã tuyên truyền, vận động cư dân thực hiện các nội quy chung, đồng thời tuyên truyền sâu rộng Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố. Nhờ đó, nếp sống văn minh, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng từng bước được tạo dựng. Các nội dung tuyên truyền cụ thể như: Không đốt vàng mã ở hành lang, cầu thang bộ; không hút thuốc nơi công cộng... Đặc biệt vào khung giờ từ 11h - 13h30 và sau 22h tối các hộ gia đình không mở loa đài to, không sửa chữa, khoan cắt, trẻ em không chơi đùa, chạy nhảy...

“Quá trình sinh sống phát hiện những hành động vi phạm quy định chung chúng tôi đều nhắc nhở trực tiếp và cùng rút kinh nghiệm tại các cuộc họp toàn thể tổ dân phố, dần dần mọi người đã thay đổi hành vi và tuân thủ những quy định chung”, bà Lê Thị Như, cư dân chung cư CT1.2 cho hay.

Rõ ràng, việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh ở các chung cư là một quá trình bền bỉ, với sự vào cuộc, chung tay của mỗi người dân và cả chính quyền. Nhờ sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng cư dân mà các nội quy, quy định, mọi phong trào phát động đều được bà con thực hiện rất tích cực. Mọi người nhìn nhau ứng xử sao cho văn minh. Ai cũng thấy có trách nhiệm xây dựng cộng đồng văn minh, thân thiện. Chỉ khi mọi người dân đồng thuận, cùng tôn trọng và thực hiện tốt các quy định chung thì nền nếp, lối ứng xử văn minh của khu chung cư mới được tạo dựng và duy trì bền vững.

Theo ông Nguyễn Anh Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung, quận Thanh Xuân: “Việc tuyên truyền sâu rộng Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân từ nhận thức tới hành động, không chỉ trong khu dân cư mà ở cả những chung cư mới”. Thực tế, với gần 1.000 khu chung cư khắp trong, ngoài thành phố, thu hút lượng lớn cư dân tới sinh sống, vấn đề xây dựng văn hóa chung cư đang đặt ra rất nóng bỏng. Tuy nhiên đây là điều không hề dễ, bởi sự đa dạng trong lối sống, trình độ dân trí... Thiết nghĩ, ngoài việc cần chấp hành đúng nội quy chung cư, mỗi cư dân nên tự trang bị cho mình một ý thức sống phù hợp với văn hóa tập thể tránh tình trạng làm ảnh hưởng tới những người xung quanh và mỹ quan chung cư nơi mình ở. Chỉ như vậy thì bài toán về văn hóa ứng xử tại các chung cư mới nhanh chóng được giải quyết đem lại một môi trường sống văn minh.

Hiện, Hà Nội đang triển khai thực hiện các mô hình điểm xây dựng văn hóa chung cư với những tín hiệu đáng mừng. Hy vọng rằng, những “điểm sáng” văn hóa chung cư sẽ được nhân rộng, để mỗi chung cư là một không gian sống mới, hiện đại, văn minh.

Bài và ảnh Minh Thắng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xay-dung-van-hoa-chung-cu-viec-kho-phai-lam-94819.html