Xây dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, an toàn trong thanh, thiếu niên

Thực hiện văn hóa tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các tầng lớp nhân dân coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo TTATGT như một chuẩn mực văn minh của con người khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, gần đây, trên địa bàn tỉnh nổi lên tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT, nhiều vụ phạm pháp hình sự khác có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Để đảm bảo TTATGT trên địa bàn, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó, tập trung xây dựng nền tảng văn hóa giao thông văn minh, an toàn đối với giới trẻ…

Phụ huynh học sinh tham gia kết nối với kênh Zalo tuyên truyền pháp luật về TTATGT của Ban An toàn giao thông tỉnh. Ảnh: Trường Khanh

Phụ huynh học sinh tham gia kết nối với kênh Zalo tuyên truyền pháp luật về TTATGT của Ban An toàn giao thông tỉnh. Ảnh: Trường Khanh

Từ đầu năm 2023 đến nay, công tác đảm bảo TTATGT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, văn hóa giao thông từng bước được hình thành, củng cố. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ, làm tử vong 9 người, bị thương 11 người, tài sản thiệt hại hơn 430 triệu đồng (giảm 4 vụ, giảm 1 người tử vong, tăng 5 người bị thương); không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thiếu tính bền vững; văn hóa tham gia giao thông chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng… Thời gian qua, khi tham gia giao thông trên các tuyến, địa bàn, người dân bắt gặp hình ảnh các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển phương tiện giao thông nẹt pô, đánh võng, rú ga… vi phạm TTATGT. Thậm chí, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.

Thượng tá Nguyễn Kỳ Hanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Để ổn định tình hình trong nhân dân, cũng như đảm bảo ANTT, TTATGT trên địa bàn, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức đấu tranh với các nhóm thanh, thiếu niên sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn, thực hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật trên các địa bàn trọng điểm, tuyến giao thông đường bộ, bảo đảm khép kín 24/24 giờ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng đã phát hiện 11 vụ việc thanh, thiếu niên tụ tập tổ chức lạng lách, đánh võng, nẹp pô, với 36 đối tượng, tạm giữ 30 xe mô tô các loại.

Sau hơn 1 tháng triển khai kế hoạch vây ráp, ghi hình, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 750 vụ việc; thu giữ 2 tuýt sắt, 3 dao phóng, 1 gậy ba khúc, 3 vỏ chai bia thủy tinh, 1 nỏ cao su và 1 hộp bi sắt; tạm giữ gần 400 phương tiện, 270 bộ giấy tờ xe, xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.

Nguyên nhân tình trạng vi phạm pháp luật, TTATGT trong thanh, thiếu niên có chiều hướng gia tăng là do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận giới trẻ còn hạn chế; chưa được sự giáo dục thường xuyên về văn hóa giao thông từ phía gia đình, nhà trường…

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về TTATGT, các đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn pháp luật, văn hóa, kỹ năng tham gia giao thông cho lứa tuổi học sinh, sinh viên một cách bài bản, khoa học.

Ngành Giáo dục cũng cần đưa môn học phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật, văn hóa giao thông an toàn cho học sinh trở thành một môn học chính thức, chứ không chỉ dừng lại là hoạt động ngoại khóa như hiện nay. Bởi, đây là giai đoạn rất quan trọng để xây dựng văn hóa giao thông, ở lứa tuổi học sinh dễ tiếp thu, tiếp nhận những quy tắc, quy định, văn hóa giao thông…

Để công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Ban An toàn giao thông tỉnh triển khai việc kết nối kênh tuyên truyền về TTATGT trên mạng xã hội (Zalo).

Theo đó, các nhà trường trên địa bàn đã kết nối các tài khoản ứng dụng Zalo của các thầy, cô giáo. Tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến kích các bậc cha, mẹ học sinh có tài khoản Zalo tham gia kết nối với Zalo của Ban An toàn giao thông tỉnh. Qua đó, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh trong việc trang bị kiến thức pháp luật về an toàn giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở GDĐT từng bước nâng cao nhận thức, văn hóa, kỹ năng tham gia giao thông đối với lứa tuổi này. Từ đó, hướng thanh, thiếu niên ứng xử theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, tính cộng đồng, sự nhường nhịn, giúp đỡ nhau của người tham gia giao thông, hình thành thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông…

Kim Hiền

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96721//xay-dung-van-hoa-tham-gia-giao-thong-van-minh-an-toan-trong-thanh-thieu-nien