Xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội đúng tầm Thủ đô
Sáng 18/7, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, bí thư đảng ủy, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 18, nhiệm kỳ 2025-2030.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 18. (Ảnh: QUANG THÁI).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến giúp xây dựng văn kiện bảo đảm chất lượng và yêu cầu đặt ra, xứng đáng là văn kiện của -Đảng bộ lớn nhất cả nước.
Gợi ý một số nội dung trọng tâm góp ý, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu ba vấn đề. Thứ nhất là văn kiện đã đúng tầm chưa. Tầm ở đây là tầm Thủ đô, Hà Nội phải vươn lên để cạnh tranh không phải với các tỉnh, thành phố trong nước, mà là cạnh tranh với Thủ đô các nước trong khu vực và quốc tế. Tầm ở đây là tầm nhìn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Thứ hai là nội dung văn kiện đã đúng với vai trò Thủ đô là động lực, đầu tàu, tạo sức lan tỏa và mang tính chất dẫn dắt; đúng vai trò là thủ đô của một đất nước 100 triệu dân đang trong quá trình vươn lên phát triển mạnh mẽ. Thứ ba là văn kiện đã đúng với những định hướng lớn của Trung ương đặt ra hay chưa; có đáp ứng được yêu cầu, mong muốn, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô chưa?
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hà Nội xác định phải đáp ứng được yêu cầu, các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp sát thực tiễn, có tính hành động; đúng với yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương đã chỉ đạo là văn kiện phải giống như là văn bia, nhìn vào đó có thể thấy được phải làm gì, làm như thế nào và triển khai ngay được.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.
Thành phố xác định văn kiện không chỉ để dùng trong hệ thống chính trị và của các cơ quan Đảng, mà phải mang hơi thở của cuộc sống, của thực tiễn, thể hiện được nguyện vọng, mong muốn của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, văn kiện phải bảo đảm khi người dân, doanh nghiệp... nhìn vào, thấy mình phải làm gì, được thụ hưởng gì; thấy được thành phố trong tương lai gần cũng như định hướng cho 10 năm, 20 năm tới ra sao... Trên cơ sở đó, văn kiện tạo ra nguồn động lực, có ý nghĩa hiệu triệu, truyền cảm hứng cho người dân, cho xã hội để đồng hành cùng thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 18, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao chất lượng nội dung và hình thức của Dự thảo, cơ bản thể hiện được sự công phu, khoa học của đội ngũ soạn thảo.
Các đại biểu cũng đã phân tích kỹ lưỡng nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị, góp ý vào nhiều vấn đề có tính mấu chốt, thể hiện trí tuệ, tâm huyết và tình yêu đối với Hà Nội.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, Hà Nội nhất định phải đột phá về đô thị, môi trường, cảnh quan, bởi thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về những vấn đề này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, lâu nay, Hà Nội vẫn đi đầu cả nước, nhưng trong giai đoạn tới, khi đất nước vươn mình, đòi hỏi vai trò đi đầu của Hà Nội ở mức cao hơn. Hà Nội cần xác định rõ, trong giai đoạn mới, thời cơ lớn mở ra, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất cao, nhất là chỉ tiêu về tăng triển kinh tế, Hà Nội với vai trò của mình phải bằng mọi cách để hoàn thành, để truyền cảm hứng, tạo khí thế chung cho cả nước.
Kết luận hội nghị, Thường trực Thành ủy Hà Nội trân trọng tiếp thu và cảm ơn các đại biểu đã tham gia góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, rất sát, rất trúng với các vấn đề mà thành phố đang quan tâm.
“Chúng tôi còn cảm nhận được sự kỳ vọng, mong muốn của các đại biểu đối với Thủ đô trong giai đoạn mới, đòi hỏi sự bứt phá, quyết liệt hơn, xác định rõ vai trò đầu tàu, xác lập vị thế trong khu vực và quốc tế. Đây là sức ép không nhỏ đặt ra cho thành phố, nhưng là sức ép tích cực”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
Đồng chí khẳng định, các ý kiến đại biểu nêu không chỉ được tiếp thu nhằm hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị, mà còn tiếp tục được đưa vào các chương trình, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới với tinh thần trong kỷ nguyên mới, thời cơ lớn đã mở ra, mặc dù khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng Hà Nội phải quyết tâm và không thể bỏ qua.