Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn chỉ dẫn địa lý cho nông sản

Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai có 181 chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, 16 dự án cánh đồng lớn. Toàn tỉnh cũng có 113 mã số vùng trồng và 48 mã số nhà đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand… với hàng chục hecta cây trồng đã được cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý.

Nền tảng chế biến, tiêu thụ nông sản bền vững
Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn chỉ dẫn địa lý cho nông sản

Phát triển chuỗi liên kết trồng trọt, chăn nuôi, dự án cánh đồng lớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đồng Nai, toàn tỉnh có 181 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản (131 đơn vị sản xuất, chế biến được cấp nhãn hiệu hàng hóa), với sự tham gia của 97 doanh nghiệp, 60 hợp tác xã, 31 cơ sở và hơn 12.540 hộ sản xuất.

Toàn tỉnh cũng có 16 dự án cánh đồng lớn được phê duyệt hỗ trợ do 12 doanh nghiệp và 17 hợp tác xã tham gia với tổng diện tích được duyệt 5,1 nghìn hécta. Cụ thể, trong đó có 6 chuỗi cây ăn quả, 3 chuỗi cây lương thực, 1 chuỗi cây rau và 6 chuỗi cây công nghiệp. Việc liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng những vùng nguyên liệu quy mô lớn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Cẩm Mỹ là huyện thuần nông của tỉnh Đồng Nai nên vấn đề phát triển chuỗi liên kết trồng trọt, chăn nuôi gắn với tiêu thụ được địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, nhiều dự án cánh đồng lớn, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đã hình thành, phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp lẫn người nông dân. Theo ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Mỹ, trước đây, trên địa bàn có 4 dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt gồm cây tiêu, cây ngô, cây sầu riêng và cây cà phê. Tuy nhiên, qua rà soát, huyện thống nhất triển khai 2 dự án và đều phát huy hiệu quả. Dự án cánh đồng lớn cây ngô là một trong số đó. Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017, diện tích 270ha và 303 hộ dân tham gia.

Một số mô hình chuỗi liên kết điển hình, hiệu quả kinh tế cao, đã từng bước được triển khai nhân rộng, như: chuỗi ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP 4 sao; chuỗi lúa của Công ty TNHH DVNN Lộc Trời, quy mô 168ha với sự tham gia của 123 nông hộ trên địa bàn huyện Định Quán; chuỗi chăn nuôi gà thảo dược của HTX Nông nghiệp Phú Ngọc, quy mô 60 tấn thịt gà và 850.000 quả trứng/năm, sản phẩm được chứng nhận OCOP 03 sao; chuỗi bắp cây làm thức ăn chăn nuôi của HTX Đông Tây, huyện Cẩm Mỹ, quy mô 400ha; chuỗi sầu riêng của Công ty TNHH XNK Toàn Thắng, quy mô 6.000 tấn/năm, sản phẩm được đánh giá OCOP 4 sao…

Khởi động từ năm 2016, dự án cánh đồng lớn thâm canh cây ca cao dưới tán điều (ca cao xen điều) do Công ty CP Bamboo Capital (TP. Hồ Chí Minh) đầu tư tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom rồi tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu cả nghìn hecta. Ông Nguyễn Văn Thu, một trong những nông dân tiên phong tham gia dự án cánh đồng lớn trồng ca cao xen điều tại xã An Viễn với quy mô gần chục hécta chia sẻ, “giai đoạn đầu tham gia dự án cánh đồng lớn trồng ca cao xen canh trong vườn điều, nông dân gặp rất nhiều khó khăn vì việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như điện, đường vẫn chậm tiến độ hơn so với kế hoạch đề ra. Nhiều nông dân e ngại tham gia cánh đồng lớn vì chưa có lòng tin. Hiện nay, tuy cây ca cao trồng xen canh trong vườn điều ở vùng này chỉ mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế đã tăng rõ rệt so với chuyên canh cây điều nên nhiều nông dân bắt đầu tích cực tham gia”.

Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) Đặng Thị Thúy Nga cho biết, “nhiều năm liền xây dựng cánh đồng lớn sầu riêng, hợp tác xã luôn nỗ lực tìm đối tác là các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp nội địa và xuất khẩu để tham gia chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân tham gia cánh đồng lớn. Tuy nhiên, hợp tác xã vẫn gặp khó khăn trong khâu đầu ra. Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, cần thiết phải có nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ từ tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất, nhập khẩu”.

Dự án cánh đồng lớn trồng ca cao xen điều trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu cả nghìn hécta
Nguồn: ITN

Chỉ dẫn địa lý “nâng tầm” nông sản

Từ việc đi đầu trong xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, cánh đồng mẫu lớn, qua đó, Đồng Nai đã tạo được sự đồng bộ, gắn chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm nông sản. Chỉ dẫn địa lý góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm bởi tâm lý chung của khách hàng khi quyết định mua sắm, lựa chọn một sản phẩm là dựa vào uy tín và mức độ nổi tiếng của sản phẩm đó. Mà thực tế chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ sẽ mang đến cảm giác an toàn và hạn chế tối đa các tình trạng làm giả, làm nhái, hàng kém chất lượng. Việc xây dựng mã số vùng trồng rất cần thiết nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở NN-PTNT đã trình công nhận 5 vùng trồng chuối và 2 cơ sở đóng gói chuối để xuất khẩu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 113 mã số vùng trồng và 46 mã số nhà đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand… với hàng chục hecta cây trồng, chủ yếu là cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng.

Nhằm mục tiêu quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng về vườn quả ngon, an toàn của gia đình, ông Lâm Phi Hùng, chủ vườn du lịch sinh thái Sáu Hùng (xã Bình Lộc, TP. Long Khánh) đã chủ động tham gia mô hình thí điểm gắn mã QR trên cây trồng. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR là được cung cấp đầy đủ thông tin về chủ vườn, địa chỉ, số điện thoại, chủng loại giống và năng suất bình quân của mỗi loại cây, tọa độ, vị trí địa lý để định dạng, định vị cây trên Google Map. Nhà vườn đang tiếp tục cập nhật các thông tin về quy trình sản xuất, nhật ký canh tác… để minh bạch nhất về độ an toàn cũng như chất lượng quả ngon.

Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai Lê Xuân Trường thông tin, “quả chôm chôm Long Khánh và bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) là những đặc sản mang tính đặc thù của địa phương đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho đặc sản trái cây nói riêng, nông sản nói chung, nhằm đáp ứng ngày càng tốt tiêu chuẩn của cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/xay-dung-vung-nguyen-lieu-tap-trung-gan-chi-dan-dia-ly-cho-nong-san-i298417/