Xét nghiệm nước tiểu có thể chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát ung thư toàn diện Sidney Kimmel thuộc Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) hiện đã xác định được chỉ dấu phân tử đặc trưng trong nước tiểu, có thể giúp phát triển một loại xét nghiệm chính xác và không xâm lấn đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Trong các nghiên cứu được công bố, ARN và các phân tử khác đã được sử dụng trong nước tiểu để phân biệt những bệnh nhân nam bị ung thư tuyến tiền liệt (TTL) với những người khác có những rối loạn TTL lành tính hoặc hoàn toàn khỏe mạnh.

Ung thư tuyến tiền liệt và những xét nghiệm hiện tại

Ung thư TTL là bệnh lý ung thư phổ biến thứ 2 gặp ở nam giới Hoa Kỳ sau ung thư da, với khoảng 1/9 người nam có chẩn đoán bị mắc bệnh trong suốt thời gian sống của họ. Riêng chỉ ở Hoa Kỳ, khoảng 192.000 bệnh nhân được chẩn đoán mắc loại bệnh lý này trong năm 2020 với trên 33.000 trường hợp tử vong.

Ung thư TTL là bệnh lý có khả năng chữa lành cao, đặc biệt khi được chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, bệnh này thường không có triệu chứng ở các giai đoạn sớm và các xét nghiệm sàng lọc hiện tại vẫn còn một số hạn chế. Ví dụ, loại xét nghiệm hiện được sử dụng rộng rãi là tìm kháng nguyên đặc hiệu TTL trong máu (xét nghiệm PSA) thường không đáng tin cậy, cho nhiều kết quả dương tính giả và không phân biệt được giữa các dạng u lành tính và ung thư hoặc khi mức PSA của một người nam tăng cao, bác sĩ có thể sẽ thực hiện thăm khám trực tràng (DRE).

Tuy nhiên, các phương pháp này thường có tính xâm lấn khiến nhiều bệnh nhân nam không mấy thích thú. Các bác sĩ có thể chỉ định làm thủ thuật sinh thiết nếu họ phát hiện được bất cứ sự nghi vấn nào trong quá trình làm DRE. Thậm chí sinh thiết cũng không phải là một xét nghiệm cho kết quả chẩn đoán sau cùng chính xác và tin cậy nhất vì thường bỏ lỡ các tế bào ung thư và thủ thuật này có thể gây đau. Theo Viện Ung thư Quốc gia (Hoa Kỳ), chỉ có khoảng 25% bệnh nhân nam thực hiện sinh thiết theo sau một xét nghiệm PSA dương tính là thực sự bị ung thư TTL.

Xét nghiệm nước tiểu không xâm lấn giúp chẩn đoán ung thư TTL.

Xét nghiệm nước tiểu không xâm lấn giúp chẩn đoán ung thư TTL.

Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện ung thư tuyến tiền liệt

Nước tiểu nam giới có chứa một lượng nhỏ các tế bào bị bong ra từ những phần khác của đường tiết niệu, trong đó có TTL. Các nhà nghiên cứu có thể phân lập, xử lý và phân tích những tế bào này bằng nhiều kỹ thuật phân tử khác nhau.

Trong các xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán bệnh lý TTL hiện có, bác sĩ sẽ phải tiến hành xoa bóp (massage) TTL (có thể làm thủ thuật này qua đường hậu môn, trực tràng) để các tế bào tuyến tiền bong tróc và do đó thu được nhiều tế bào hơn trong nước tiểu phục vụ cho xét nghiệm.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học cho rằng điều này có thể không cần thiết. Ngoài ra, người nam có thể tự lấy mẫu nước tiểu tại nhà và gửi đến phòng xét nghiệm.

Nghiên cứu mới có sự tham gia của 126 bệnh nhân nam, trong đó 64 người bị ung thư TTL, 31 người bị các rối loạn lành tính (viêm TTL hoặc phì đại TTL lành tính) và 31 người khỏe mạnh. Những người này sẽ tự lấy mẫu nước tiểu mà không cần xoa bóp TTL trước đó. Các tế bào sẽ trở thành ung thư một phần là kết quả của những biến đổi về di truyền và chuyển hóa nhằm cung cấp đủ mức năng lượng tăng lên cần thiết cần cho chúng tăng sinh. Để nhận diện được chỉ dấu nguyên tử đặc trưng cho những thay đổi này trong ung thư TTL, các nhà khoa học thực hiện giải trình tự các phân tử ARN và sử dụng kỹ thuật khối phổ để đo hàm lượng các chất chuyển hóa trong mẫu. Khác với xét nghiệm PSA, số liệu về ARN và chất chuyển hóa mà các nhà nghiên cứu xác định được có thể giúp phân biệt giữa những bệnh nhân bị ung thư TTL và những người khác bị các rối loạn lành tính.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng xét nghiệm dựa trên những phát hiện này cũng có thể xác định mức độ tiến triển của một bệnh lý ung thư. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng phải cần đến những nghiên cứu lớn hơn để thẩm định lại loại xét nghiệm này trước khi đưa vào sử dụng trên lâm sàng. Trong tương lai, những phát hiện này có thể khơi nguồn cho việc tìm ra các phương pháp trị liệu mới đối với những bệnh lý mà những biến đổi về mặt chuyển hóa đã được xác định.

Linh Chi

((Theo MNT, 2020))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xet-nghiem-nuoc-tieu-co-the-chan-doan-ung-thu-tuyen-tien-liet-n176931.html