Xét xử phúc thẩm rút kinh nghiệm vụ án hình sự

Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nhất là chất lượng thẩm vấn và tranh tụng của kiểm sát viên (KSV). Theo đó, VKSND hai cấp tăng cường phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Trong lựa chọn án, VKSND hai cấp đã phối hợp với Tòa án lựa chọn vụ án điển hình ở địa phương, các vụ trọng án, án nổi cộm được cấp ủy, chính quyền và dư luận quan tâm.

Your browser does not support the audio element.

Bị cáo Trần Văn Đoàn tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Bị cáo Trần Văn Đoàn tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Vào trung tuần tháng 3, VKSND tỉnh đã phối hợp với TAND tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử phúc thẩm rút kinh nghiệm vụ án hình sự Trần Văn Đoàn phạm tội Cố ý gây thương tích do có kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo và kháng cáo của bị hại là ông Nguyễn Vi Chiến đề nghị hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra, truy tố, xét xử về các tội: giết người, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng và tăng hình phạt cho tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra.

Xuất phát từ việc tranh chấp đất đai tại Tiểu khu 2, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) giữa gia đình ông Nguyễn Vi Chiến, bà Trần Thị Lịch với gia đình ông Lê Văn Trường, dẫn đến hai bên xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Bị cáo Trần Văn Đoàn cùng một số đối tượng đã đập phá xe ô tô của anh Tiến đang chở vật liệu xây dựng công trình nhà ông Chiến, bà Lịch. Khi thấy ông Chiến hô hoán, can ngăn thì bị cáo Trần Văn Đoàn dùng 1 chiếc gậy bằng kim loại, dạng ống tuýp rỗng, dài 2,2m đánh một cái (hướng từ trên xuống) trúng vào đầu làm ông Chiến ngã ra đường, hậu quả ông Chiến tổn hại 2% sức khỏe. TAND huyện Lương Sơn đã xử phạt bị cáo 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích theo điểm a, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Đối với hành vi đập phá xe ô tô của bị cáo Trần Văn Đoàn và các đồng phạm đã được giải quyết bằng vụ án khác, bị cáo Đoàn bị tuyên án 9 tháng tù về tội Hủy hoại tài sản theo khoản 1, Điều 178 BLHS.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Bùi Đức Hạnh, KSV Trung cấp, VKSND tỉnh được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án đã trình bày quan điểm, tranh luận với bị cáo, bị hại về các nội dung kháng cáo và đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trần Văn Đoàn cũng như không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị hại Nguyễn Vi Chiến; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 44/2020/HSST ngày 16/10/2020 của TAND huyện Lương Sơn.

Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, việc xét hỏi công khai, đặc biệt là kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh đã đồng ý với quan điểm giải quyết vụ án của VKSND tỉnh; bác toàn bộ kháng cáo của bị cáo, bị hại, tuyên y án sơ thẩm; xử phạt bị cáo Trần Văn Đoàn 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích, tổng hợp hình phạt 9 tháng tù về tội Hủy hoại tài sản, buộc bị cáo Trần Văn Đoàn phải chấp hành hình phạt chung là 15 tháng tù.

Đồng chí Lại Anh Tuấn, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Đây là vụ án có nội dung kháng cáo phát sinh nhiều quan điểm tranh luận nên việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng cho KSV. Trong năm 2020, VKSND hai cấp đã phối hợp với Tòa án tổ chức được 140 phiên tòa rút kinh nghiệm hình sự. Thực tế cho thấy qua tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đó là: Tại buổi họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa, các ý kiến tham gia đóng góp đã giúp KSV trực tiếp xét xử thấy được những ưu điểm, thiếu sót của mình trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án. Từ đó nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ thẩm vấn, kỹ năng tranh luận, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa của KSV. Các KSV nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí rất quan trọng của mình tại phiên tòa. Thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo các đơn vị thấy được những mặt mạnh và điểm yếu của KSV để đánh giá cán bộ chính xác, toàn diện. Từ đó, phân công cán bộ, KSV phù hợp năng lực nghiệp vụ và có phương hướng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu về chiến lược cải cách tư pháp. Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị cũng qua đó đề cao vai trò, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, giải quyết vụ án.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/151249/xet-xu-phuc-tham-rut-kinh-nghiem-vu-an-hinh-su.htm