Xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, làm sáng ngời mãi mãi danh hiệu người chiến sĩ cộng sản (*)

LTS - Ngày 10-9-1968, đồng chí TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN có bài nói chuyện với Tỉnh ủy Cao Bằng và cán bộ các ngành của tỉnh. Bài nói chuyện đã được trích đăng trong tác phẩm 'Về xây dựng Đảng'. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

LTS - Ngày 10-9-1968, đồng chí TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN có bài nói chuyện với Tỉnh ủy Cao Bằng và cán bộ các ngành của tỉnh. Bài nói chuyện đã được trích đăng trong tác phẩm “Về xây dựng Đảng”. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thưa các đồng chí,

Chúng ta đang đứng trước những nhiệm vụ cực kỳ trọng đại và khó khăn. Nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, nhưng một vai hai gánh nặng, vừa chiến đấu giải phóng miền Nam, vừa xây dựng và bảo vệ miền Bắc; lại phải kháng chiến trong một hoàn cảnh quốc tế vô cùng phức tạp. Thế nhưng, Đảng ta đã vượt qua được mọi phong ba bão táp, nhờ có đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn, nhờ giữ vững và nêu cao được sự nhất trí về tư tưởng và tổ chức của Đảng.

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng ta. Suốt gần bốn mươi năm nay, Đảng ta luôn luôn gìn giữ được đoàn kết nội bộ trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trên cơ sở đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng. Giờ đây, đứng trước những nhiệm vụ nặng nề của đảng bộ, muốn dìu dắt 40 vạn nhân dân Cao Bằng đi lên chủ nghĩa xã hội, thì trước hết các đồng chí phải đoàn kết, thật sự đoàn kết, chân thành đoàn kết. Chúng ta có thể còn non kém về mặt này, mặt kia so với nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng nếu chúng ta đoàn kết, làm việc tập thể, mỗi người một tay, chung sức chung lòng, thì chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn và sẽ đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Nói đoàn kết tuyệt nhiên không có nghĩa là không có ý kiến khác nhau trong vấn đề này hay vấn đề khác. Phương pháp biện chứng chỉ rõ rằng phải có định đề, có phản đề, có tổng hợp thì mới nảy sinh ra sự vật mới. Đó là quy luật tiến hóa của mọi sự vật. Vậy thì, trong một cấp ủy, một đảng bộ có ý kiến khác nhau là việc bình thường; không có ý kiến khác nhau, không có bàn cãi thì không thể tìm ra chân lý. Có bàn cãi mới xây dựng, mới khẳng định được ý kiến tập thể, tránh được cách nhìn phiến diện, chủ quan, mới vạch rõ được cái đúng, cái sai, cái phải làm, cái nên tránh. Chính vì lẽ đó mà nguyên tắc tổ chức của Đảng quy định số ít phải phục tùng số nhiều. Nếu trong một cấp ủy, một tổ chức, mà chỉ một người nói, mọi người nghe, một người quyết định, mọi người tuân theo thì cần gì phải có tập thể? Chỉ một người quyết định mà thôi thì rất nguy hiểm. Một khi tập thể không được tôn trọng nữa, thì sẽ dẫn đến độc đoán, bảo thủ, trì trệ.

Tranh luận nhau không phải là không đoàn kết; có ý kiến khác nhau không phải là chống nhau, là ghét nhau. Chỉ có bọn bóc lột đối với nhau mới thù địch lẫn nhau, mới chống nhau, ghét nhau. Còn người cộng sản, trong quan hệ với nhau, thì có tình, có nghĩa, có đạo lý. Thậm chí, khi phải thi hành kỷ luật đối với một đồng chí nào đó, Đảng cũng không bao giờ coi việc đó như là một sự trả thù, báo oán. Chúng ta thảo luận, bàn cãi để tìm lẽ phải, để sáng chân lý, chứ không phải vì chống nhau, ghét nhau mà bàn cãi. Người cộng sản cùng chung lý tưởng, trước đây vào tù ra tội, sống chết có nhau, nay cùng chung lo, chung nghĩ thì sao lại có thể ghét nhau được? Thái độ đó, tình cảm đó không thể dung hợp được với lý tưởng của người cộng sản. Người cộng sản chiến đấu vì nhân dân, vì cách mạng. Lòng nhân ái, vị tha là đạo đức của người cộng sản. Đồng chí với nhau mà còn oán ghét nhau thì nói “vì dân vì nước” chỉ là một điều nói dối, vì đồng chí với nhau mà không thương yêu nhau thì làm sao có thể thương dân, thương nước.

Các đồng chí! Tự mình lừa dối mình là một điều đáng ghê sợ nhất trong mọi sự lừa dối. Chưa nói tới tác hại của sự mất đoàn kết trong nội bộ Đảng đối với cách mạng, chỉ soi rọi vào lương tâm, chúng ta cũng thấy oán ghét đồng chí mình là một điều tàn nhẫn, xúc phạm lẽ sống cao quý của chúng ta. Đêm nằm các đồng chí hãy gác tay lên trán suy nghĩ, nếu thấy trong tâm tư có cái gì trái với đạo lý của người cộng sản thì phải xóa nó đi, đừng để nó làm vẩn đục, làm phai mờ tình đồng chí. Chúng ta phải lấy tình đồng chí mà đoàn kết với nhau, đối xử với nhau. Đối với người cộng sản, không có gì đẹp bằng tình đồng chí. Đồng chí là bạn chiến đấu có thể chết sống vì nhau. Ta có thể chết sống vì đồng chí, anh em đồng chí có thể chết sống vì ta, chứ vợ con ta chưa chắc có thể chết sống vì ta như anh em đồng chí. Các đồng chí hãy nghiệm xem có đúng như vậy không?

Trong Đảng không được dung túng những điều sai trái, phải thẳng thắn tự phê bình, phê bình; phải có đấu tranh trong tư tưởng để phát huy cái tốt, ngăn ngừa cái xấu, nhưng đồng thời phải vun trồng, nâng niu tình đồng chí. Trong đảng bộ cơ sở, trong cấp ủy phải xây dựng tình cảm gia đình cộng sản, đoàn kết thương yêu nhau, lo liệu cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau làm cho mỗi đảng viên, ngoài nhiệm vụ ra, còn thấy được sống trong sự đùm bọc, thương yêu của Đảng, gắn bó với Đảng bằng một tình cảm rộng lớn, thắm thiết.

Muốn thực hành đoàn kết thì phải chống chủ nghĩa cá nhân, xóa bỏ lòng ích kỷ, đố kỵ. Chủ nghĩa cộng sản không xóa bỏ cá nhân; đối với người đảng viên, Đảng chỉ đòi hỏi mỗi chúng ta phải hành động sao cho hợp với lợi ích của Đảng, của cách mạng, phải coi lợi ích của cách mạng, của nhân dân làm trọng, còn lợi ích cá nhân là thứ yếu, là nhỏ bé. Mỗi người chúng ta đều có cuộc sống riêng tư, đều dính với một nguồn gốc xã hội, một quá khứ nhất định, cho nên phải đấu tranh kiên nhẫn, phải luôn luôn cảnh giác với chủ nghĩa cá nhân. Khi ý chí phấn đấu mãnh liệt, dồi dào thì tình cảm cách mạng chiến thắng được đầu óc cá nhân ích kỷ, nhưng khi tình cảm cách mạng có phần nào nguội lạnh, ý chí chiến đấu đã giảm sút, thì chủ nghĩa cá nhân có thể trỗi dậy, đè nặng lên tâm tư, tình cảm của mình, khiến cho mình trở nên mềm yếu, đen tối và mất hết bản lĩnh.

Chủ nghĩa cá nhân rất đáng sợ. Sống và chiến đấu, nhưng tâm hồn luôn luôn bị quyền lợi, danh vọng cá nhân làm mờ ám, thì lòng mình làm sao có thể thanh thản, làm sao có thể có đức vị tha, có tình nhân ái? Lê-nin dạy rằng người cộng sản phải “tận tụy, trung thành, hy sinh, xả thân”. Hy sinh chưa đủ đâu các đồng chí ạ, phải xả thân nữa. Xả thân nghĩa là quên mình đi, coi như không có mình nữa. Ngoài việc đấu tranh cho lẽ phải, cho chủ nghĩa cộng sản, người cộng sản không được tơ hào đến quyền lợi cá nhân, vì trong sự nghiệp lớn lao, vĩ đại của giai cấp và dân tộc, cái cá nhân là nhỏ bé, tầm thường. Đem cái nhỏ bé, tầm thường đặt lên trên sự nghiệp to lớn, vĩ đại kia, lấy mình làm trung tâm cho mọi ý nghĩ, hành động, thì còn đâu là lý tưởng nữa! Đấu tranh cho chân lý, cho lẽ phải là vì cách mạng, vì nhân dân, chứ không phải vì anh, vì tôi. Tôi nghĩ rằng, sau khi cách mạng thành công mà anh em đồng chí trong một đảng bộ, một cấp ủy lại bàn cãi công anh, công tôi, ai nhiều, ai ít thì không gì độc ác cho bằng, bởi vì lẽ nào người cộng sản lại nhẫn tâm mưu tính được mất cho cá nhân mình trên sự hy sinh của hàng triệu đồng bào, hàng vạn đồng chí! Tất cả công lao, thành tích, vinh dự và tự hào của cách mạng Việt Nam là thuộc về Đảng vẻ vang và dân tộc anh hùng của chúng ta. Sự đóng góp của mỗi một chúng ta, dù là bao nhiêu chăng nữa, cũng chỉ là một giọt nước trong biển cả, không thấm vào đâu so với sự hy sinh vô bờ bến của hàng triệu đồng bào, đồng chí đã ngã xuống, của hàng chục vạn gia đình tan nhà nát cửa, so với máu và nước mắt của cả dân tộc ta trong hàng trăm năm mất nước.

Chúng ta đừng đem sự được mất của cá nhân mình ra mà mặc cả với lịch sử; làm như thế là vong ân bội nghĩa với những người đã khuất. Cũng đừng vì công anh, công tôi mà sinh ra chia bè, chia phái. Tôi biết những trường hợp bè phái xảy ra ở nơi này hay nơi khác thường không phải vì khác nhau về đường lối, chủ trương, mà chủ yếu là do thành kiến cá nhân, hoặc do tranh chấp địa vị. Đó là những điều không đáng có và không nên có. Chúng ta vào Đảng không phải vì một chỗ ngồi, vì danh lợi, vì oai quyền hoặc vì một họ hàng, một phe nhóm nào cả. Tất cả những tư tưởng ấy đều là xa lạ đối với Đảng chúng ta, Đảng của những người mác-xít lê-nin-nít. Bất cứ vì lý do gì mà chia rẽ, bè phái là có tội nặng với dân, với Đảng. Cá nhân chúng ta ai ai cũng có thể sai lầm, khuyết điểm. Đừng vì sợ mất uy tín cá nhân mà khư khư giữ lấy những ý kiến sai. Đối với bản thân, chúng ta phải nghiêm khắc; đối với đồng chí, chúng ta phải độ lượng; đối với Đảng, chúng ta phải trung thực. Đối với đồng chí, đối với Đảng, đâu phải là chuyện được thua mà sống để dạ, chết mang theo, sợi tóc chẻ làm tư cho hả lòng hả dạ. Ý kiến của mình mà đồng chí có nói là của họ, cũng không sao cả, miễn là điều đó có lợi cho cách mạng. Đồng chí mình có chủ trương lệch lạc chăng nữa, ta hãy cùng nhau uốn nắn, khắc phục, dìu đồng chí mình đi lên, sao cho thỏa tình, trọn nghĩa.

Khi trong một cấp ủy có ý kiến khác nhau về vấn đề này hay vấn đề khác, chúng ta phải chờ đợi nhau. Kinh nghiệm cho thấy rằng đứng trước những bước ngoặt của thời cuộc, của tình thế, có thể có đồng chí nhận định tình hình sáng rõ hơn, nhưng cũng có đồng chí chỉ thấy một mặt, một khía cạnh nào đó, do đó mà đánh giá sự vật có thể khác nhau. Trong những trường hợp ấy, phải hết sức giữ gìn sự thống nhất về tổ chức của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt. Nếu chúng ta vội vã quy kết cho nhau thế này, thế khác hoặc lôi bè kéo cánh để đưa mình lên, dìm anh em đồng chí xuống thì khó tránh khỏi dẫn đến chỗ rạn nứt, chia rẽ về tổ chức. Ngược lại, nếu chúng ta biết làm việc, kiên nhẫn chờ nhau, cho đến khi sự vật xuất hiện rõ nét thì mọi người sẽ nhận ra lẽ phải và tập thể sẽ đi đến đoàn kết nhất trí hơn; việc lớn, việc chung của Đảng, của dân sẽ thành công, mà anh em đồng chí càng hiểu nhau, tình đoàn kết trong cấp ủy càng chan hòa, thân thiết.

Tất cả các đồng chí ở đây đều đã qua hai phần ba cuộc đời; có đồng chí vào tù ra tội, có đồng chí cầm quân đánh giặc, có đồng chí lăn lộn sống chết với đồng bào để gây dựng phong trào cách mạng. Công lao ấy, Đảng và nhân dân đánh giá rất cao, và con cháu mai sau vẫn ơn sâu nghĩa nặng. Nhưng điều đó tuyệt nhiên không cho phép chúng ta được công thần, đòi hỏi đặc quyền đặc lợi. Hễ khi nào chúng ta nhấn mạnh cái “tôi” một cách quá đáng thì hãy coi chừng! Dục vọng cá nhân, quyền lợi cá nhân sẽ làm cho lòng ta đen tối và có thể đẩy ta trượt ngã, lầm lạc và làm hoen ố cả cuộc đời. Người đời ai cũng một lần chết. Chúng ta giỏi lắm cũng chỉ sống được mười năm, hai mươi năm nữa. Trong khoảng đời còn lại, chúng ta hãy chung thủy giữ trọn lời thề thiêng liêng khi chúng ta vào Đảng. Hạnh phúc của chúng ta là giữ sao cho tâm hồn mình luôn luôn trong sáng, cho lòng mình thanh thản, mãn nguyện là đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho nhân dân, cho Tổ quốc. Hãy xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân để làm ngời sáng mãi mãi danh hiệu người chiến sĩ cộng sản. Làm được như thế, chúng ta sẽ trở nên đẹp đẽ bội phần trong sự đánh giá, sự cảm phục của đồng bào, đồng chí, và cả cuộc đời ta sẽ là một bài học quý, một tấm gương trong sáng cho những thế hệ mai sau.

Chẳng những chúng ta phải đoàn kết trong Đảng, mà còn phải chăm lo xây dựng tình đoàn kết chan hòa trong mọi gia đình, mọi bản làng, thôn xóm. Cách đây không lâu, Trung ương đã quyết định chi bộ đảng, đảng bộ cơ sở phải phân công một chi ủy viên hoặc đảng ủy viên chuyên lo về đời sống của mọi người trong hợp tác xã, trong xí nghiệp, trong đường phố, cơ quan. Ai thiếu ăn, thiếu mặc, ai hoạn nạn, ốm đau, chi bộ, đảng bộ cơ sở phải biết, phải lo liệu, giúp đỡ đến nơi đến chốn. Phải làm cho mọi gia đình, mọi người dân đều được chăm sóc; đừng để ai phải bơ vơ, không nơi nương tựa. Phải làm cho cuộc sống có tình, có nghĩa, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, trở thành tình cảm mới, nếp sống mới, đạo đức mới trong đồng bào các dân tộc.

Hàng nghìn năm nay trên đất nước thân yêu của chúng ta, người Kinh, người Tày, người Nùng, người Mèo, người Dao.v.v., đã đồng cam cộng khổ, chung sức chung lòng, cùng nhau giữ nước và dựng nước. Hàng nghìn năm nay, các dân tộc anh em chúng ta đã cùng chung một nguyện vọng, một ý chí, một tình cảm, một tâm hồn. Đến thăm Cao Bằng, tôi rất sung sướng thấy đồng bào các dân tộc một lòng đoàn kết, thương yêu, hòa thuận lẫn nhau. Điều đó rất hợp với lòng mong mỏi của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, với con đường đi lên chủ nghĩa cộng sản của chúng ta. Hiện nay, trong cả nước ta, cuộc đấu tranh giai cấp còn gay go, quyết liệt vì miền Nam chưa giải phóng, Bắc Nam chưa thống nhất, đế quốc Mỹ và bọn tay sai vẫn chưa từ bỏ âm mưu nô dịch nhân dân ta. Nhưng đấu tranh giai cấp dù gay go, quyết liệt đến đâu, sau này các giai cấp cũng sẽ mất đi, nhưng các dân tộc sẽ còn và sẽ sống với nhau lâu dài, mãi mãi trên đất nước ta. Chế độ áp bức, bóc lột bị xóa bỏ thì tất cả các dân tộc anh em càng thương yêu nhau, hòa hợp với nhau hơn nữa. Chúng ta quyết phấn đấu làm cho đời sống của các dân tộc đều được nâng cao. Chúng ta tìm mọi cách phát huy cái hay, cái đẹp trong văn hóa, nghệ thuật của mỗi dân tộc, dù đó là một dân tộc chỉ năm ba trăm người, chúng ta cũng giữ gìn, xây dựng. Chúng ta nhất định làm cho tất cả các dân tộc anh em trên đất nước ta đều đi tới chủ nghĩa xã hội và hợp thành một vườn hoa muôn sắc, nghìn hương.

Muốn biến ước mơ đó thành hiện thực, đảng bộ Cao Bằng và Ban chấp hành tỉnh đảng bộ phải nêu gương sáng, đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, phải làm hết sức mình để vun trồng, xây đắp tình thương yêu thắm thiết giữa đồng bào các dân tộc anh em trong tỉnh.

-----------------------------------

(*) Về xây dựng Đảng, Lê Duẩn, NXB Sự thật, Hà Nội 1978 tr. 106-114.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43074202-xoa-bo-chu-nghia-ca-nhan-lam-sang-ngoi-mai-mai-danh-hieu-nguoi-chien-si-cong-san.html