Xu hướng dịch chuyển nguồn vốn FDI và cơ hội với Thái Nguyên

Từ năm 2018 đến nay, do những tác động của đại dịch Covid-19, tiếp đó là xung đột Nga - Ukraine, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước gia tăng... nên môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi đáng kể. Từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên thế giới có sự dịch chuyển ngày càng mạnh mẽ, tác động đến mọi quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, sự tác động đó được các chuyên gia đánh giá là tích cực do các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tìm đến như một thị trường ổn định, nhiều tiềm năng.

Khởi công Cụm công nghiệp Tân Phú 1,2.

Khởi công Cụm công nghiệp Tân Phú 1,2.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoài Nam (Ban Kinh tế Trung ương) thì xu hướng dịch chuyển đầu tư hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu mới đã diễn ra nhiều năm trước do chính sách tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, phân tán rủi ro của các tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên, do các yếu tố tác động từ đại dịch COVID-19, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, cạnh tranh thương mại giữa các quốc gia, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc nên những năm gần đây xu hướng này diễn ra mạnh mẽ hơn. Thực tiễn cho thấy việc dịch chuyển đầu tư hình thành chuổi cung ứng toàn cầu mới tập trung vào 3 xu hướng chủ yếu, bao gồm:

Thứ nhất là dịch chuyển chuỗi cung ứng kéo theo dịch chuyển đầu tư, di chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất về nước hoặc sang các nước khác trong khu vực để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc hay một quốc gia cụ thể. Một số chuỗi cung ứng được cơ cấu, sắp xếp lại thông qua mở rộng mạng lưới nhà cung cấp để phân tán rủi ro, mà không nhất thiết kéo theo dịch chuyển vốn đầu tư và sản xuất.

Thứ hai là các công đoạn quan trọng, cốt lõi thượng nguồn hoặc gắn với công nghệ cao thường được dịch chuyển về nước, trong khi các công đoạn hạ nguồn như gia công, lắp ráp thường được dịch chuyển ra nhiều nước nhằm phân tán rủi ro và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Thứ ba, các tập đoàn có khả năng dịch chuyển đầu tư hoặc chuỗi cung ứng chủ yếu là các tập đoàn có nhu cầu tối ưu hóa về chi phí, các tập đoàn chịu tác động trực tiếp của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc đã và đang xúc tiến kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng sản xuất đến Ấn Độ, Mexico, một số nước Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro, gián đoạn cung ứng khi phải phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời cũng quan tâm thị trường đầu tư tại các nước có các yếu tố ổn định về chính trị, môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô; các cơ chế, chính sách (về đất đai, thuế, lao động, điều hành kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất)... có tính nhất quán, ít thay đổi, có thể dự báo được; thông tin công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu và cũng là để góp phần giảm thiểu cơ hội tham nhũng; thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ, ra quyết định nhanh chóng vừa là giúp giảm chi phí hành chính, vừa là giảm chi phí cơ hội.

Trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, bà Sunita Rajan, Giám đốc Điều hành Kênh truyền thông Bloomberg Media khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều đến các quốc gia và địa phương có cơ sở hạ tầng đồng bộ (khu công nghiệp và các dịch vụ đi kèm, điện, nước, giao thông vận tải, thông tin, logistics...); nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, công nhân có tay nghề; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ nội địa phát triển và tình hình an ninh trật tự ổn định.

Theo đó, nếu xét về phương diện quốc gia, Việt Nam hội tụ đầy đủ thế mạnh, thậm trí là có những lợi thế như: vị trí địa lý, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xét về phương diện địa phương, tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu cả nước, được các nhà đầu tư đánh giá cao và quan tâm lựa chọn. Đây là cơ hội trong thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên và cũng là lý do Kênh truyền thông Bloomberg Media khu vực Châu Á - Thái Bình Dương muốn đến hợp tác với tỉnh Thái Nguyên.

 Khu công nghiệp Yên Bình

Khu công nghiệp Yên Bình

Trong cuộc gặp gỡ này, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã cảm ơn sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của bà Sunita Rajan, Giám đốc Điều hành Kênh truyền thông Bloomberg Media khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định, trên thực tế, tỉnh Thái Nguyên đã là một trong 4 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút nguồn vốn FDI trong 10 tháng năm 2022. Kết quả đạt trên 1,5 tỷ USD. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 172 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 10,3 tỷ USD. Đồng chí mong muốn Bloomberg đề xuất nội dung kịch bản để hai bên phối hợp giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin về môi trường đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên, qua đó giúp Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung tăng cường thông tin giới thiệu, quảng bá về đất và người, về môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, an toàn, tiềm năng ra với thế giới. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã cam kết luôn luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư lớn, có uy tín, năng lực thuộc lĩnh vực công nghệ cao vào tỉnh Thái Nguyên.

Môi trường đầu tư, chính sách của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang tạo ra sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế đã có nhiều dự án FDI tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, có nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là tại Thái Nguyên. Mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài chúng ta cần ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu theo đường hướng Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019, của Bộ Chính trị (khóa XII) đã chỉ ra.

Tân Xuân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/xu-huong-dich-chuyen-nguon-von-fdi-va-co-hoi-voi-thai-nguyen-51418.html