Xu hướng hình thành đường sách, phát triển văn hóa đọc

Mô hình đường sách không chỉ đóng góp vào sự phát triển của ngành xuất bản, mà còn là không gian của văn hóa, tri thức.

Đường sách là mô hình văn hóa độc đáo, niềm tự hào của ngành xuất bản nước ta. Hiện nay, một số địa phương có mong muốn nhân rộng mô hình này để phát triển văn hóa đọc.

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM, chia sẻ về quá trình xây dựng, vận hành mô hình đường sách.

Nhiều địa phương có nhu cầu mở đường sách

- Năm qua, thêm một đường sách nữa ra đời, trong năm 2023, dự kiến có thêm đường sách, công viên sách. Dường như đường sách đang trở thành một xu hướng ở các đô thị?

- Từ mô hình tổ chức, kết quả hoạt động đạt được của đường sách TP.HCM, đã có thêm 4 đường sách ở Hà Nội, Đắk Lắk, Vũng Tàu, Đồng Tháp ra đời. Giữa 2023 sẽ có thêm đường sách Thành phố Thủ Đức.

Theo thông tin tôi tiếp nhận, nhiều nơi như quận 6, quận 7 của TP.HCM, quận Tây Hồ ở Hà Nội và một số tỉnh như Phú Yên, Vĩnh Phú, Huế… cũng muốn nhân rộng mô hình đường sách tại địa phương mình.

Rõ ràng xu hướng muốn hình thành đường sách, phố sách, công viên sách tại các địa phương là có. Tuy vậy, từ mong muốn đến hiện thực còn là một quãng dài.

- Trong 6 năm tham gia thành lập và điều hành Đường sách TP.HCM, ông thấy đâu là bí quyết giúp nơi đây thành điểm sáng văn hóa đọc cả nước?

- Đầu tiên là sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố trong quá trình hình thành đường sách: Bố trí đường sách ở địa điểm trung tâm, để công chúng đến thuận lợi; một không gian vừa đủ (đủ để tổ chức không gian đường sách), đẹp (trên quãng đường đầy cây xanh bóng mát).

Quá trình hoạt động, lãnh đạo thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội, hoạt động liên quan đến sách, phát triển văn hóa đọc ngay tại đường sách. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ rất nhiều về cơ chế, chính sách để các đơn vị đến hoạt động gặp thuận lợi, tổ chức ngày càng nhiều hoạt động.

Thứ hai là sự tham gia tích cực của các tổ chức hoạt động xuất bản. Mô hình xã hội hóa giúp thu hút đối tượng có mục tiêu (yêu thích sách) đến đường sách. Vận động kết nối các cơ quan, tổ chức, đơn vị xã hội, đoàn thể, nhất là cơ sở giáo dục (trường tiểu học, trung, đại học...) và các tổ chức khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật (có công chúng liên quan đến hoạt động về sách). Những đơn vị đó tổ chức ngày càng nhiều hoạt động tại đường sách.

Muốn làm được điều đó, bên cạnh sự chủ động nỗ lực của đơn vị xuất bản, cần kết nối các tổ chức với sự hỗ trợ của lãnh đạo chính quyền địa phương và sự chuẩn bị đáp ứng các trang thiết bị, cơ sở vật chất của ban điều hành đường sách. Đường sách giống sân chơi cho mọi người đến hoạt động. Ban điều hành đường sách như người thiết kế, phối hợp, kết nối, phục vụ cho các hoạt động đó.

Thứ ba, đó là vai trò điều hành của công ty đường sách. Công ty Đường sách TP.HCM là đơn vị trực thuộc Hội Xuất bản Việt Nam, tập hợp những người yêu xuất bản, nhiệt tình với hoạt động xuất bản, am hiểu, biết cách tổ chức, kết nối với các đơn vị là các hoạt động phát triển văn hóa đọc. Điều đó làm cho đường sách ngày càng có nhiều hoạt động, tạo cho đường sách ngày càng có nhiều sinh khí, năng lượng, thu hút ngày càng nhiều bạn đọc đến đường sách.

Trong 6 năm điều hành đường sách, tôi rút ra được những điều tâm đắc như vậy, luôn trung thành với những nguyên tắc và tiêu chí đề ra đó.

 Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trang.

Phát triển văn hóa đọc để giải bài toán kinh tế tại đường sách

- Các đường sách thường nằm ở vị trí trung tâm của đô thị, khu "đất vàng" của thành phố. Vậy đâu là phương pháp giải bài toán kinh doanh ở đường sách, giúp các nhà xuất bản, công ty phát hành có lãi khi tham gia đường sách?

- Cơ chế chính sách vận hành đường sách nên là mô hình Nhà nước quản lý, còn về đầu tư và hoạt động vận hành theo cơ chế xã hội hóa. Nhà nước tăng cường công tác quản lý để đảm bảo tôn chỉ mục đích, đảm bảo mục tiêu phát triển, đảm bảo các thủ tục vận hành đúng pháp luật, đảm bảo phát huy tính chủ động trong hoạt động kinh doanh. Còn lại khi đi vào hoạt động cần xã hội hóa. Ví dụ, điều hành nên dựa vào vai trò của hội nghề nghiệp, sự tham gia tích cực của các đơn vị xuất bản.

Thứ hai, ban điều hành và các đơn vị xuất bản tại phố sách, đường sách phải hết sức chủ động, nỗ lực trong hoạt động xuất bản. Phải thường xuyên có sách mới giới thiệu tới độc giả ở đường sách. Phải chủ động kết hợp, thu hút các đơn vị, cơ quan, tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là cơ sở giáo dục, văn học nghệ thuật.

Qua sự kết hợp, ngày càng mang về cho đường sách nhiều hoạt động liên quan đến sách, văn hóa đọc. Đó là cơ sở thu hút đông đảo bạn đọc đến với đường sách. Những người có chủ đích tham gia văn hóa đọc cũng là số đông khách hàng tìm đến lựa chọn mua sách về đọc.

Ngoài mô hình đường sách, việc hình thành thói quen đọc cho thiếu nhi từ trong gia đình, trong nhà trường chính là nền tảng để phát triển văn hóa đọc.

Ông Lê Hoàng

Thứ ba, muốn tổ chức các hoạt động trên, cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo các cơ quan tổ chức (có văn bản chỉ đạo) để đường sách được liên tịch phối hợp với các cơ sở giáo dục, đoàn thể nhằm mang hoạt động đến tổ chức tại đường sách.

Thứ tư, truyền thông, quảng bá để tác động đến nhận thức, tác động đến sự quan tâm của người dân, nhất là các gia đình, học sinh sinh viên, viên chức doanh nhân, tri thức quan tâm, ủng hộ việc đọc sách để họ thực sự tìm kiếm những cuốn sách cần thiết của họ, phục vụ nhu cầu tìm kiếm tri thức, giải trí, giáo dục…

Phát triển các hoạt động văn hóa đọc, thu hút đông đảo công chúng, bài toán kinh tế (bán sách) mới được thuận lợi.

- Theo ông, bên cạnh đường sách, chúng ta cần phát huy những mô hình, không gian nào để phát triển văn hóa đọc?

- Chúng ta có Ngày sách, Đường sách, hội sách, các cuộc thi bình sách, cuốn sách tôi yêu, tổ chức cuộc thi đại sứ văn hóa đọc… Đó đều là các hoạt động mang tính phong trào góp phần truyền cảm hứng, thúc đẩy cộng đồng đến với sách. Song về căn bản, muốn hình thành, phát triển một nền văn hóa đọc lâu dài thì phải giúp hình thành một thói quen đọc sách trong cộng đồng, và thói quen đó phải hình thành từ tuổi thơ, từ trong môi trường gia đình và trường học.

Một cá nhân muốn có thói quen đọc từ nhỏ thì thói quen đó phải được lặp đi lặp lại, diễn ra thường xuyên trong chu kỳ lâu dài.

Do đó, các hoạt động nhằm hình thành thói quen đọc cho thiếu nhi từ trong gia đình, trong nhà trường chính là nền tảng để phát triển đọc sách trong cộng đồng, nâng cao văn hóa đọc.

Anh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xu-huong-hinh-thanh-duong-sach-phat-trien-van-hoa-doc-post1391267.html