Xu hướng nông nghiệp xanh

Phát triển nông nghiệp xanh đang là xu thế chung của ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp tại Lào Cai nói riêng.

Ngành nông nghiệp hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, sự chi phối của kinh tế thị trường cũng như chưa thể giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến tồn dư các chất bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi… Để có thể mở rộng thị trường, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường có giá trị cao trong nước và quốc tế, việc phát triển một nền nông nghiệp an toàn và bền vững đang là mối quan tâm lớn không chỉ của ngành nông nghiệp mà còn của cả tỉnh.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì nền nông nghiệp toàn cầu bắt đầu chứng kiến tiến trình chuyển đổi mạnh mẽ cách tiếp cận được gọi là xanh hóa nền nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp đang chuyển đổi từ nông nghiệp nâu (thâm dụng tài nguyên, vật tư đầu vào, sử dụng tài nguyên không hiệu quả, quy trình sản xuất kém bền vững, quản lý sử dụng và xử lý phụ phẩm, chất thải không hiệu quả) sang nông nghiệp xanh (sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật tư đầu vào, áp dụng sản xuất theo chuẩn bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, các bon thấp, giảm áp lực ô nhiễm không khí, đất, nước, khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học).

Hiện nay, nhiều cây trồng hàng hóa chủ lực của Lào Cai được phát triển thành vùng sản xuất hữu cơ (theo tiêu chuẩn quốc tế), mang lại giá trị kinh tế cao như 3.621 ha quế tại Bắc Hà và Văn Bàn; 696,58 ha chè hữu cơ tại Bắc Hà… Ngoài ra, nhiều diện tích sản xuất với nhiều mặt hàng được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc gia như chè cổ thụ, rau, củ, cây ăn quả, nấm hương… Các sản phẩm được chứng nhận không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường, mà còn “rộng đường” tiếp cận các thị trường cao cấp, khó tính.

Không chỉ sản xuất hữu cơ, những năm gần đây, việc “tuần hoàn” trong sản xuất nông nghiệp cũng luôn được quan tâm. Các mô hình tận dụng các phụ phẩm sau sản xuất nông - lâm nghiệp thành một dạng vật tư đầu vào, không chỉ giảm việc xả thải ra môi trường mà còn giảm chi phí sản xuất. Tại Công ty TNHH Hà Lâm Phong, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa), quy trình sản xuất nấm hương hữu cơ luôn được doanh nghiệp quan tâm. Sản phẩm nấm hương của doanh nghiệp cũng được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc gia vào đầu năm 2022. Được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ, sản phẩm nấm hương của doanh nghiệp “rộng đường” xuất khẩu, khẳng định được uy tín trên thị trường và nhận được đánh giá cao của người tiêu dùng.

Công ty TNHH Hà Lâm Phong trồng nấm hương theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lâm Phong, bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp cũng quan tâm đến vấn đề môi trường bằng cách giảm việc phát thải sau sản xuất. Nấm hương được trồng trong giá thể là mùn của các loại cây không có tinh dầu, không chứa độc tố hoặc nấm mốc. Sau khi thu hoạch nấm, các loại giá thể vẫn rất tơi xốp, nhiều dinh dưỡng nên thay vì vứt bỏ, giá thể được xử lý, tận dụng làm phân bón cho các loại cây trồng khác.

Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Trang trại của gia đình bà Đào Thị Vuông, thôn Thái Vô, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) là một trong những ví dụ điển hình. Khu chuồng trại chăn nuôi lợn, gà của gia đình bà Vuông hiện nay áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín. Chất thải từ chăn nuôi được xử lý, tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Không sử dụng hết, nguồn chất thải này được bà Vuông bán cho những hộ trồng trọt trong vùng. Mỗi năm, gia đình có thêm khoảng 60 triệu đồng từ bán chất thải chăn nuôi.

Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình đã và đang chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới, cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và cả người sản xuất đang thể hiện tính chủ động trong việc nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững thông qua các biện pháp canh tác cải tiến, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” giảm lượng phân bón vô cơ, tăng cường ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong trồng trọt và chăn nuôi... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại lợi ích, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/xu-huong-nong-nghiep-xanh-post367334.html