Xử lý nghiêm vi phạm về bảo hiểm xã hội

Từ ngày 23-11 đến 25-12-2020, Thanh tra thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra 75 doanh nghiệp nợ lớn, nợ kéo dài bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 80 tỷ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của 2.462 người lao động. Dư luận kỳ vọng, từ đợt thanh tra này, cơ quan chức năng sẽ thu hồi được nợ đọng bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về bảo hiểm xã hội.

Đại diện các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội (bên trái) ký nhận vào biên bản công bố quyết định thanh tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội năm 2020. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Nguyễn Văn Giới, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thường Tín:
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động

Việc Thanh tra thành phố Hà Nội quyết định thanh tra việc chấp hành Luật Bảo hiểm xã hội tại một số đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố trong giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội. Việc làm này không những bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động mà còn bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp. Nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp có thể xuất phát từ hai nguyên nhân: Doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh hoặc cố tình chây ỳ không nộp.

Thực tế trên địa bàn huyện Thường Tín cho thấy, để bảo đảm thu nợ đọng bảo hiểm xã hội, cơ quan chuyên môn cần tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đồng thời rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để có những giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, giúp doanh nghiệp có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp cố tình nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tú, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm:
Cần truy tố chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Sau 14 năm 10 tháng làm công nhân tại Công ty cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội, tháng 7-2017, tôi và hàng trăm người lao động làm việc tại đây bất ngờ được công ty thông báo cho nghỉ việc do không có việc làm. Tính đến cuối tháng 10-2014, công ty đã nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 7,3 tỷ đồng khiến hơn 400 lao động không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp... dù nhiều người đã có cả chục năm cống hiến, nộp tiền bảo hiểm xã hội đầy đủ. Năm 2015, bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm đã khởi kiện công ty ra tòa, nhưng đã 5 năm qua, kể từ khi bản án có hiệu lực, công ty vẫn không chịu khắc phục hậu quả.

Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng kiên quyết phong tỏa tài khoản ngân hàng; truy tố chủ doanh nghiệp để xảy ra vi phạm… buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Chị Nguyễn Huyền Thu, phường Xuân La, quận Tây Hồ:
Vận dụng các quy định mới để xử lý các doanh nghiệp vi phạm

Theo các quy định pháp luật, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra dai dẳng. Gần đây, nhiều địa phương đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thực hiện biện pháp cấm xuất nhập cảnh với những cá nhân là chủ doanh nghiệp có nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2019), hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Tôi cho rằng, những quy định mới này sẽ được các cơ quan chức năng vận dụng để xử lý rốt ráo các vi phạm về bảo hiểm xã hội.

Bà Nguyễn Thị Tiêu, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh (huyện Đông Anh):
Mạnh tay hơn nữa với doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội

Hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Khoản 1, Điều 186 Bộ luật Lao động khẳng định: “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật”. Chậm đóng, trốn đóng và chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng là hành vi bị nghiêm cấm tại Bộ luật Hình sự, Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo tôi, cần nâng mức xử phạt đủ để tạo sự răn đe các doanh nghiệp có hành vi nợ bảo hiểm xã hội kéo dài hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội. Việc xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm cũng cần quyết liệt hơn. Cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn, tẩu tán tài sản, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/984449/xu-ly-nghiem-vi-pham-ve-bao-hiem-xa-hoi