Xử lý nghiêm việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn

Dù đã có chuyển biến tích cực trong việc ban hành văn bản pháp luật, song thời gian qua, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn xảy ra; điều này ảnh hưởng rất lớn đến kỷ cương lập pháp, gây nên sự lãng phí không nhỏ.

Kỷ cương lập pháp chưa nghiêm đã được đưa ra bàn luận rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng này gần như năm nào cũng tái diễn. Việc các bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, xin lùi thời hạn trình Chính phủ, trình Quốc hội, chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo kế hoạch vẫn xảy ra. Ngoài việc xin lùi thì cũng có dự án luật trình chưa bảo đảm chất lượng. Chưa thực hiện nghiêm túc quy định về trình dự thảo văn bản quy định chi tiết đồng thời với trình Hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Thậm chí, có dự thảo văn bản quy định chi tiết được trình kèm theo trong Hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nhưng sơ sài, hình thức, nội dung chưa phù hợp, chưa gắn với chính sách quy định tại dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết như là một hình thức “cho có”.

Thực tế cho thấy, "điểm nghẽn" lớn nhất trong kỷ luật lập pháp là tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Tính đến tháng 7.2022, vẫn còn nợ 10 nghị định, 2 quyết định hướng dẫn, quy định chi tiết 7 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Theo Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2022 cũng cho thấy có 44 điều, khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết. Có tới 64 văn bản đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu. Đáng nói là, có văn bản chậm ban hành tới hơn 8 năm, một số văn bản chậm từ 3 đến 4 năm. Văn bản luật, pháp lệnh được ban hành nhưng thiếu văn bản hướng dẫn làm cho luật chưa thể đi vào cuộc sống.

Sự chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn cũng đã xảy ra khi thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hay chưa cụ thể làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, giảm ý nghĩa, hiệu quả của chính sách. Tính đến tháng 8.2022, vẫn còn 2/17 văn bản cụ thể hóa chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ chưa được ban hành. Trong đó, có việc chậm ban hành, chưa ban hành hoặc ban hành hướng dẫn chưa cụ thể về khám, chữa bệnh từ xa, bình ổn giá trang thiết bị y tế; chính sách hỗ trợ đối với các bệnh viện tự chủ về chi thường xuyên được chuyển đổi toàn bộ công năng để phục vụ cho việc điều trị người bệnh Covid-19; thực hiện cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong sản xuất, mua thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch diễn biến phức tạp, phát sinh. Chính sự chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn hay ban hành văn bản nhưng chưa cụ thể là khoảng trống lớn, gây lúng túng, bị động cho các cơ quan chuyên môn trong xử lý các tình huống chưa có tiền lệ này.

Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thể hiện kỷ luật, kỷ cương lập pháp chưa nghiêm. Điều đó cho thấy, cơ quan có trách nhiệm ban hành văn bản chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phía sau sự ban hành chậm trễ các văn bản hướng dẫn cũng dẫn đến sự lãng phí nguồn lực, lãng phí cơ hội đối với người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng nhà nước pháp quyền là phải đặt kỷ cương, kỷ luật lập pháp lên trên hết. Nếu chỉ kêu gọi, hay phê bình chung chung thì việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn sẽ tiếp tục tái diễn. Muốn vậy, phải có chế tài đủ mạnh, phải quy trách nhiệm đến cùng đối với từng cá nhân, tổ chức. Theo đó, cụ thể hóa và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: “đừng nể nang gì chuyện này, mình cứ né, cứ nể nang là không được”.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/xu-ly-nghiem-viec-cham-ban-hanh-van-ban-huong-dan-i334650/