Xử lý sách giáo khoa bị lỗi: Phải nhìn thấy lợi ích lâu dài để có quyết định sáng suốt!

Theo các chuyên gia, lúc này cần nhìn vào thực tế lỗi của sách giáo khoa để đưa ra phương án xử lý, đừng vì tự trọng cá nhân mà hỏng việc lớn. Cải cách giáo dục là một 'trận đánh' lớn, cần thiết phải được chuẩn bị chu đáo từng khâu.

Nhiều lỗi cần phải được nhìn nhận, phân tích thấu đáo

Câu chuyện sai sót trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều khiến dư luận bức xúc thời gian qua vẫn tiếp tục là đề tài quan tâm của các chuyên gia về giáo dục.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhiều chuyên gia đã chỉ ra nhiều lỗi trong sách Tiếng Việt của Cánh Diều.

Nếu như sách Tiếng Việt 1, tập 1 của Cánh Diều nhiều lỗi ở những từ dùng sai thì sách Tiếng Việt 1 tập 2 lại có nội dung không chuẩn mực.

Việc cả hai cuốn sách đưa vào bài học quá nhiều câu chuyện ngụ ngôn, chuyện kể dân gian nhưng do bị cắt xén, phóng tác nên không còn giữ được giá trị như nguyên tác. Thậm chí nhiều câu chuyện vô nghĩa hoặc nghĩa đi ngược lại với nguyên tác ban đầu.

Câu chuyện "Ước mơ của tảng đá" nhận được nhiều ý kiến phản biện cho rằng không phù hợp (ảnh TL).

Đơn cử như chuyện “Ước mơ của tảng đá” hay chuyện “Ước mơ”… trong sách Tiếng Việt 1, tập 2.

Nhiều ý kiến cho rằng khi đọc bài “Ước mơ của tảng đá” họ liên tưởng suy nghĩ của tảng đá chẳng khác nào suy nghĩ của những đứa trẻ trầm cảm, chán sống, tìm cách giải thoát khỏi cuộc sống thực tại.

Trong khi, bác gió dù biết trước kết cục bi thảm của tảng đá nhưng vẫn giúp sức đẩy tảng đá xuống biển sâu.

Chị Nguyễn Thanh Tâm ở Đống Đa, Hà Nội nêu ý kiến: “Viết thế này rất nguy hiểm, trẻ con không thể hiểu sâu xa. Thế này thì khi có 1 bạn muốn nhảy xuống biển mà sợ, nhờ bạn khác đẩy xuống thì các em đẩy luôn, bất chấp nguy hiểm”.

Gay gắt hơn có phụ huynh nhận định: “Đây là một kiểu hành xử, giúp sức hết sức tàn nhẫn, thiếu suy nghĩ; không hướng trẻ em đến những điều tốt đẹp mà lại gieo rắc vào đầu chúng những sự ác độc...”.

Liên quan đến những sai sót trong sách Cánh Diều, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận (NB&CL), đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng: “Đã tiếp thu, cầu thị thì cần phải nghiêm túc, đã sửa sai thì phải có hành động mạnh mẽ và quyết liệt, đó là tạm đình chỉ bộ sách bị lỗi (Cánh Diều) và thay bộ sách khác”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho biết, những ngày gần đây bà đã nhận được rất nhiều ý kiến, sự quan tâm của cử tri đối với lĩnh vực giáo dục, nhất là từ đầu năm học 2020-2021 đến nay.

Trong đó, vấn đề bức xúc nhất là sự cố sai sót trong bộ sách giáo khoa lớp 1 gắn với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Với mong muốn được trực tiếp xem, tìm hiểu cặn kẽ nội dung giảng dạy trong bài học Tiếng Việt đang gây tranh cãi bà Phạm Thị Minh Hiền đã mua 2 tập sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách “ Cánh diều” và đọc từng trang một, đánh dấu từng lỗi sai.

Do đó, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền khẳng định: “Đối với các chi tiết bị dư luận phản ứng có trong sách Tiếng Việt, dù thật sự không muốn phủi bỏ hoàn toàn công sức của các nhà biên soạn, nhưng tôi buộc phải nói thẳng rằng, không chỉ có một vài mà là có quá nhiều lỗi sai khó có thể chấp nhận được trong bộ sách này”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (ảnh TL).

Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền thì các nhà quản lý cần nhìn nhận và đánh giá đúng vấn đề vì không phải tự nhiên mà phần lớn dư luận xã hội bức xúc và giận dữ.

Đã có nhiều nhà khoa học, nhà văn hay các chuyên gia về ngôn ngữ, tâm lý cùng tham gia góp ý, phản biện.Những ý kiến đó đều dựa trên cơ sở khoa học, tư duy độc lập, phân tích mạch lạc chứ không hề xuyên tạc.

“Tôi tin họ có thừa năng lực, đủ phẩm chất và tâm thức để cất lên tiếng nói từ lương tri” – bà Hiền nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ GD & ĐT chỉ đạo Hội đồng thẩm định và nhóm tác giả Cánh Diều chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá" trang 115, bài "Hai con ngựa" trang 157, bài "Lừa, thỏ và cọp" trang 163…

Đồng thời thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "quà… quà", "chén"…

Bình luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, không thể trấn an dư luận bằng cách đưa thông tin một chiều mang tính chủ quan của Hội đồng thẩm định và cơ quan quản lý. Những thông tin cần thiết và cần được viết lại không được nêu đầy đủ.

Nếu thấy cần thiết thì nên dừng!

Lỗi của sách “Cánh Diều” là nhiều và được các nhà chuyên môn có trách nhiệm chỉ ra. Tuy nhiên việc đánh giá những hệ lụy của những lỗi đó như thế nào là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Nếu hiện nay quy trách nhiệm cho các lỗi lầm này thì từ khâu viết sách, khâu duyệt và đến khâu lựa chọn sách đều có liên quan.

Do đó, nguy cơ vì sợ trách nhiệm, né trách nhiệm sẽ trở thành rào cản trong việc đưa ra các phương án xử lý sáng suốt đối với sách Cánh Diều thời điểm này.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền thắc mắc: “Tại sao bộ sách bị chỉ ra quá nhiều lỗi như thế nhưng Bộ (GD&ĐT) chỉ tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung vài ngữ liệu, rút ra vài bài tập đọc... như thể chỉ làm cho có, để xoa dịu dư luận?. Các giáo viên sẽ phải thay đổi giáo án ra sao?.

Đối với các trường đã lỡ chọn sách Cánh diều, từ đây đến khi điều chỉnh xong thì sẽ cho học sinh học bộ sách nào hay lại tiếp tục để các cháu trải nghiệm một cuốn sách đầy rẫy các lỗ hổng?.

Hơn lúc nào hết, rất mong những nhà biên soạn, các vị tổng chủ biên và Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đây là một sản phẩm lỗi, không chỉ là lỗi chi tiết mà còn là lỗi tổng thể. Trong đó, có cả việc sai nghiêm trọng về nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa như các nhà chuyên môn đã phân tích, chỉ rõ.

Do đó việc lựa chọn giải pháp điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu theo hướng chắp vá, xử lý tình huống là một điều không thể, bởi suy cho cùng giải pháp ngắn hạn không thể giải quyết được tận cùng những lỗi sai mang tính nguyên tắc, sai về cách tiếp cận chưa thật sự phù hợp đối với đặc tính của trẻ em.

Tôi cho rằng, đã tiếp thu, cầu thị thì cần phải nghiêm túc, đã sửa sai thì phải có hành động mạnh mẽ và quyết liệt, đó là tạm đình chỉ bộ sách bị lỗi và thay bộ sách khác”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo NB& CL, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hy vọng các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền liên quan xem xét lại một cách thận trọng những vấn đề mà phụ huynh phản ánh.

Những vấn đề không phù hợp thì phải điều chỉnh, chỉnh sửa. Cũng phải tính đến hủy bỏ kết quả không cần nếu hoàn toàn thấy bất hợp lý.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Không nên bảo thủ, bởi vì xét cho cùng thì sách giáo khoa đã đưa ra “thử nghiệm” trước xã hội. Khi đã đưa ra “thử nghiệm” mà nhận được sự phản ứng của xã hội thì cần hêt sức lưu ý và phải tôn trọng tất cả ý kiến ở tất cả các phía.

Đây là vấn đề liên quan đến trăm năm, nghìn năm, đến con người, đến từ nhân cách đến kiến thức chứ không phải chỉ liên quan đến lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4...”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với phóng viên bá NB&CL, một vị giáo sư (xin không nêu tên) cho rằng, đây không phải là lúc xấu hổ hay cố bảo lưu quan điểm mà cần thiết nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo.

Cải cách giáo dục là một “trận đánh” lớn, cần thiết phải được chuẩn bị chu đáo từng khâu.Đừng vì bảo thủ mà cố làm khi chưa có chuẩn bị một cách chắc chắn. Nếu cần thiết thì “kéo pháo ra” chứ không nóng vội.

Ở đây, bài học đánh Điện Biên Phủ của Tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Mỗi khi chưa chắc thắng thì thay đổi chiến thuật. Lùi không có nghĩa là thất bại.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xu-ly-sach-giao-khoa-bi-loi-phai-nhin-thay-loi-ich-lau-dai-de-co-quyet-dinh-sang-suot-post102110.html