Xử nghiêm xe Jeep, UAZ nhiều 'không' chở khách
Tình trạng xe Jeep, UAZ cũ không đăng ký kinh doanh vận tải, không phủ bạt ngang nhiên chở khách du lịch vẫn diễn ra phổ biến tại Hà Nội và một số địa phương. Việc này vi phạm quy định về vận tải đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế cho Nhà nước.
Xe chở khách du lịch nhiều "không"
Những ngày gần đây, PV Báo Xây dựng ghi nhận hàng loạt những xe UAZ (U-oát) mang BKS: 26A – 100.40, 26A – 189.38… chở khách du lịch chạy lòng vòng trên các tuyến phố: Nhà Thờ, Hàng Lược, Nhật Chiêu (Hà Nội). Hầu hết xe này được hoán cải, thay đổi so với thiết kế ban đầu với nhiều "không": Không kính, không phủ bạt, không dây đeo an toàn.

Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội xử lý xe UAZ không đăng ký kinh doanh vận tải chở khách du lịch.
Tại Mũi Né, Bình Thuận (cũ, nay là tỉnh Lâm Đồng), tình trạng cũng tương tự, thậm chí, nhiều đại lý du lịch đặt tên cho dịch vụ này là "Tour xe Jeep trên cung đường biển Mũi Né" với giá khoảng 500 - 600 nghìn đồng/xe đi trong 2 - 3 tiếng.
Dù hoạt động ở Mũi Né, song các xe này lại mang biển kiểm soát ở nhiều địa phương khác nhau, đơn cử như: 63A - 045.38, 23A - 095.29, 47L - 2451, 21A - 130.54…
Theo một lái xe Jeep chở khách du lịch, những chiếc xe Jeep được thu mua ở nhiều nơi đưa về Bình Thuận để kinh doanh vận tải, tùy loại máy xăng hay máy dầu sẽ có giá mua khác nhau, dao động từ 150 – 400 triệu đồng.
Song để vận hành thuận tiện, thao tác dễ dàng, hầu hết đều được thay đổi hộp số sang loại 2 cầu, chi phí "độ" khoảng 10 triệu đồng; riêng "cỗ máy" phải giữ nguyên để được đăng kiểm.
Qua quan sát, xe Jeep ở Bình Thuận tuy không tháo kính như những chiếc UAZ ở Hà Nội, song hầu hết đều không trang bị dây đai an toàn, thậm chí ngay tại ghế lái, tài xế cũng không thắt dây an toàn.
Hầu hết không đạt đăng kiểm lần đầu
Ông Đặng Tuấn Anh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2905V (Hà Nội) cho biết, mỗi năm có khoảng 3 - 4 xe Jeep được đưa đến đơn vị này đăng kiểm. Tuy nhiên, hầu hết xe đều không đạt đăng kiểm lần đầu và được yêu cầu sửa chữa khắc phục để kiểm định lại.
Nguyên nhân là các xe đều sử dụng từ nhiều năm, chất lượng xuống cấp, nhiều hạng mục không đạt an toàn kỹ thuật, chủ yếu về hệ thống phanh, hệ thống lái. Có xe phải sửa chữa nhiều lần và đăng kiểm lại trong nhiều ngày mới đạt đăng kiểm, thậm chí có xe bị đơn vị đăng kiểm đánh trượt nhiều lần đã không quay trở lại kiểm định tiếp.
Theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm khác ở Hà Nội, do sản xuất từ nhiều năm trước, hầu hết xe hiện nay đều đã thay đổi các chi tiết về hộp số, khung xe so với nguyên bản. Tuy nhiên, khi đi đăng kiểm rất khó phát hiện bởi theo quy định chỉ kiểm định về khả năng hoạt động của các bộ phận này. Còn với các trang bị như bạt phủ, kính chắn gió, hầu hết các xe đều lắp đặt đầy đủ lúc đăng kiểm.
Ngang nhiên chở khách, thu tiền
Đáng chú ý, các xe trên đều không đăng ký kinh doanh vận tải, không phù hiệu, không đổi biển nền trắng sang nền vàng nhưng vẫn chở khách thu tiền.
Một chuyên gia giao thông nhìn nhận, việc các xe chở khách thu tiền nhưng không đăng ký kinh doanh vận tải, không có phù hiệu, không đổi biển số nền vàng không chỉ vi phạm quy định về vận tải đường bộ mà còn tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế cho Nhà nước và rủi ro cho khách du lịch khi gặp sự cố.
Chưa kể, theo Nghị định 158/2024, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) có niên hạn sử dụng không quá 12 năm. Nói cách khác, sau 12 năm sản xuất không được sử dụng kinh doanh vận tải hành khách, các xe chỉ được sử dụng như xe ô tô cá nhân thông thường.

Xe Jeep không đủ điều kiện kinh doanh vận tải vẫn chở khách, thu tiền tại khu du lịch Mũi Né, Bình Thuận.
Tra cứu thông tin phương tiện, Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, các xe PV Báo Xây dựng ghi nhận, hầu hết không đủ điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách do đã quá 12 năm sử dụng tính từ năm sản xuất. Cụ thể, xe BKS 26A - 100.40 và 26A - 189.38 sản xuất năm 2005; xe BKS 23A - 095.29 sản xuất năm 2004; xe BKS 47L - 2451 sản xuất năm 1986 và xe 21A - 130.54 sản xuất năm 1989.
Theo chuyên gia giao thông, rõ ràng, do không đủ điều kiện để xin cấp phù hiệu xe hợp đồng chở khách du lịch, nhiều chủ xe, doanh nghiệp ngang nhiên để biển trắng song vẫn chở khách, thu tiền để kiếm lời.
Xử lý nghiêm vi phạm
Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hành vi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép đã bị nghiêm cấm tại Luật Đường bộ.
Do đó, lực lượng chức năng tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền đến các lái xe, doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách.
Lãnh đạo các cơ sở đăng kiểm cũng cho rằng, việc sử dụng xe không đủ điều kiện, có tuổi đời lâu năm, chất lượng xuống cấp kinh doanh vận tải, chở khách du lịch tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn, nhất là di chuyển trên cung đường dài.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Cục CSGT, thời gian qua, đơn vị không chỉ tăng cường tuần tra kiểm soát mà còn phối hợp với tổ liên ngành của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quân xử nghiêm các vi phạm liên quan đến xe UAZ chở khách.
Nhờ đó, tình trạng các xe không kinh doanh vận tải nhưng chở khách đã giảm, tuy nhiên, vẫn tồn tại các lỗi vi phạm về dừng, đỗ sai quy định, chở quá số người.
"Với các trường hợp biển trắng, không đăng ký kinh doanh vận tải vẫn chở khách, thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý", trung tá Hùng nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an Hà Nội xử lý 28 trường hợp xe UAZ vi phạm giao thông, trong đó có 23 trường hợp vi phạm về dừng đỗ, 2 trường hợp chở quá số người quy định và 1 trường hợp không thắt dây an toàn.