Xử phạt hành chính như thế nào với hành vi xúc phạm nhà giáo, học sinh?

Từ 10-3, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó có quy định phạt tiền 5 - 10 triệu đồng nếu xúc phạm nhà giáo, học sinh, sinh viên.

Cụ thể tại điều 26 của nghị định quy định mức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người vi phạm buộc phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Bên cạnh đó, tại Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc kỷ luật người học không đúng quy định.

Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, sẽ phạt tiền 5 - 10 triệu đồng nếu xúc phạm nhà giáo, học sinh, sinh viên (Ảnh minh họa)

Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, sẽ phạt tiền 5 - 10 triệu đồng nếu xúc phạm nhà giáo, học sinh, sinh viên (Ảnh minh họa)

Người vi phạm phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Mức phạt trên là mức phạt đối với tổ chức, cá nhân có cùng hành vi thì mức phạt tiền bằng một nửa so với tổ chức. Như vậy, giáo viên có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 2,5 triệu - 5 triệu đồng.

TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Không ai mong muốn những sự việc xúc phạm đối với học sinh, giáo viên diễn ra cả, ngành giáo dục, xã hội phải chung tay để những hành vi đó không diễn ra. Còn khi đã xảy ra thì cần căn cứ theo luật, qui định để xử phạt, đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe và giữ cho môi trường giáo dục được an toàn để giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học…

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng nhấn mạnh: “Nhà giáo không chỉ được bảo đảm an toàn về thân thể mà quan trọng là giữ gìn danh dự, uy tín của nghề dạy học. Bảo vệ an toàn cho nhà giáo, người học là rất cần thiết, nhất là trong xu thế bùng nổ mạng xã hội như hiện nay”.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xu-phat-hanh-chinh-nhu-the-nao-voi-hanh-vi-xuc-pham-nha-giao-hoc-sinh-231012.html