Xuân vui tươi, thắm tình đoàn kết

Một mùa xuân vui tươi và đầm ấm nữa lại về. Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dù không phải là Tết cổ truyền của bà con Khmer hay Chăm, thế nhưng trên khắp các phum, sóc và làng Chăm của tỉnh An Giang đâu đâu cũng tràn ngập không khí náo nức.

Những ngày Tết Canh Tý, đến những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống của tỉnh An Giang, chúng tôi cảm nhận không khí xuân nhộn nhịp trong các phum, sóc. Gặp chúng tôi, ông Chau Sóc Kóp, ở xã An Cư, huyện Tịnh Biên cho biết: “Dù là Tết truyền thống của người Kinh nhưng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vẫn chung vui. Bà con Khmer luôn xem mình là một phần trong đại gia đình Việt Nam, nhà nào cũng xem Tết Nguyên đán là hoạt động không thể thiếu bên cạnh lễ Dolta, Chol Chnam Thmay tưởng nhớ ông bà, tổ tiên”.

 Bà con Khmer gói bánh tét chuẩn bị Tết.

Bà con Khmer gói bánh tét chuẩn bị Tết.

Theo ông Chau Sóc Kóp, cũng như người Kinh, đồng bào Khmer tin rằng việc dọn dẹp nhà cửa sạch đẹp đón Tết sẽ mang đến những điều tốt lành trong năm mới. Vì thế, trước Tết khoảng nửa tháng, mọi người rủ nhau ra dọn dẹp sân nhà, đường đi chung trong phum, sóc. Những người có điều kiện thì sửa chữa nhà cửa khang trang hơn, mắc vài dây đèn chớp ngoài sân cho vui mắt về đêm. Không biết tự bao giờ, người Khmer cũng có thói quen trồng mai ngoài ngõ. Những cây mai to lớn, trổ bông vàng ươm khiến cho mùa xuân nơi phum, sóc càng thêm tươi thắm.

Vì sống gần gũi với nhau nên người Khmer và người Kinh ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã thân quen theo kiểu “tối lửa, tắt đèn”. Những ngày đầu năm, họ cũng đến thăm và chúc nhau những điều may mắn. Ông Nguyễn Văn Ơn, người dân xã An Tức, huyện Tri Tôn, cho biết: “Trong những ngày Tết, tôi hay mời mấy anh em người Khmer trong xóm sang nhà dự tiệc để đón mừng năm mới. Ngược lại, trong các lễ, Tết quan trọng của người Khmer như Dolta, Chol Chnam Thmay thì họ hay gói bánh tét mang biếu các gia đình người Kinh trong xóm. Cứ như vậy, tình nghĩa giữa người Kinh và người Khmer đã bền chặt từ rất lâu rồi”.

Tương tự người Khmer, mỗi dịp Tết Nguyên đán của người Kinh, thì ở các làng Chăm của An Giang cũng rộn ràng không khí đón xuân sang với nhiều hoạt động vui tươi, ý nghĩa.

Ông Haji Zacky, Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Chăm Islam An Giang chia sẻ: “Người Chăm có tết riêng, nhưng hòa chung nhịp sống dân tộc, cộng đồng người Chăm ở An Giang cũng tổ chức đón Tết, đi thăm hỏi, tặng quà những người Kinh trong xóm. Ngày Tết chúng tôi thường nhắc nhở nhau, bên cạnh việc thăm hỏi, vui chơi giải trí… cũng phải lưu ý thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh trên lúa, trên rau để có cách phòng trị. Bà con người Chăm, người Kinh thường xuyên duy trì việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất để năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi ngày một nâng lên, có như vậy mới góp phần đẩy nhanh được thoát nghèo bền vững và đóng góp được vào xây dựng nông thôn mới… để những cái Tết thêm vui và ý nghĩa”.

Qua bao thăng trầm của lịch sử và những khó khăn trong cuộc sống, cộng đồng người Chăm, Khmer luôn gắn bó với người Kinh cùng vượt qua gian lao để gìn giữ, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đời sống của người Chăm, Khmer cũng ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thế nên, Tết Nguyên đán tuy không phải là Tết chính thức của người Chăm và Khmer, nhưng mỗi độ xuân về, khi mai vàng thi nhau khoe sắc thì ở các làng Chăm hay phum, sóc Khmer của An Giang cũng rộn ràng không khí đón xuân sang với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, ý nghĩa, thắm tình đoàn kết.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/xuan-vui-tuoi-tham-tinh-doan-ket-609119