Xuất hiện vùng áp thấp trên Biển Ðông, có khả năng mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Ðông xuất hiện một vùng áp thấp.

Sáng nay (30-7), vùng áp thấp ít dịch chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), vị trí tâm ATNÐ ở khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 116,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNÐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 đến 20 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 7 giờ ngày 31-7, vị trí tâm ATNÐ ở khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 220 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, ATNÐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh dần lên; từ ngày 30-7, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực nam Biển Ðông có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2 đến 3 m. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh ở vùng biển phía nam cấp 1. Từ hôm nay (30-7) đến ngày 31-7, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác. Riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông mạnh. Thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng sớm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công văn số 339/T.ƯPCTT-VP gửi các ban chỉ huy PCTT tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau về việc ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Ðông, yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến áp thấp và sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 10 ngày tới, Nam Bộ, trong đó có TP Hồ Chí Minh, sẽ có mưa liên tục vào chiều và đêm, trong cơn mưa có thể có dông lốc và sấm sét. Người dân cần đề phòng, có biện pháp đối phó và hạn chế ra đường khi trời mưa lớn kèm dông lốc kéo dài.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Hà Giang, đêm 28, rạng sáng 29-7, tại huyện Hoàng Su Phì xảy ra mưa to kéo dài kèm theo dông, lốc khiến một người chết và ba người bị thương do sạt lở đất vùi lấp; có bảy nhà bị sạt lở, trong đó có một nhà bị sập hoàn toàn, nhiều diện tích hoa màu bị đất đá vùi lấp. Tuyến đường tỉnh lộ Bắc Quang - Hoàng Su Phì bị sạt ta-luy dương nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông cục bộ vào các xã Nậm Ty, Nậm Dịch, Thông Nguyên. Ước tổng thiệt hại hơn sáu tỷ đồng.

Tại tỉnh An Giang, từ ngày 27-7, trên quốc lộ 91 tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú xuất hiện vết răn nứt và có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu (vết nứt sâu vào một phần ba mặt đường), với chiều dài khoảng 30m, chiều rộng từ 1,5 đến 2 cm, có dấu hiệu tiếp tục mở rộng. Ðịa phương đã tổ chức di dời hai hộ dân và hai lều quán; tổ chức cắm biển, phân luồng giao thông để bảo đảm an toàn.

Rạng sáng 29-7, tại TP Cần Thơ đã xảy ra một vụ sạt lở bờ kênh Rạch Sỏi, đoạn thuộc ấp Vĩnh Lân (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) khiến năm căn nhà bị ảnh hưởng. Khu vực sạt lở dài hơn 40 m. Vụ sạt lở đã khiến hai căn nhà bị sụp xuống sông và ba nhà khác bị ảnh hưởng, buộc phải di dời hai trụ điện cao thế. Ước tính thiệt hại gần 900 triệu đồng.

Nhiều đoạn đê bao dọc sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng khiến một vùng cây ăn trái rộng lớn bị uy hiếp. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 khu vực có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài gần 4 km đê. Trong đó, Kế Sách là huyện đầu nguồn sông Hậu có 12 vị trí nguy cơ sạt lở.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp 18 công trình hồ chứa và 30 km đê với tổng kinh phí hơn 3.400 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các hồ đập, đê điều được đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn về người, tài sản trong mùa mưa bão.

Tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành rà soát, cập nhật bổ sung phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó xác định vùng trọng điểm có nguy cơ cao bị thiên tai, dự kiến sẽ hoàn thiện trong tháng 8 tới. Tỉnh kiến nghị Trung ương bố trí hơn 300 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 16 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng; hỗ trợ thêm phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn…

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 47 hồ chứa nước và hệ thống đập dâng, tổng năng lực tưới thiết kế hơn 60.000 ha, với tổng dung tích trữ nước hơn 300 triệu m3. Qua kiểm tra hiện có 23 hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao, điển hình như: Sông Quao, Tà Mon, Tân Lập, Trà Tân... Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn hồ chứa để có hướng xử lý.

Tại tỉnh Ðác Nông, để xây dựng Thủy điện Chư Pông Krông, đơn vị thi công đã nạo vét, tác động đẩy dòng nước sông Krông Nô (đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) về phía huyện Lắc, tỉnh Ðác Lắc. Hậu quả là hơn 100 ha lúa của người dân bị thiếu nước tưới do trạm bơm ven sông bị vô hiệu hóa.

Theo UBND huyện Phong Ðiền (Thừa Thiên - Huế), đến 15 giờ ngày 29-7, vụ cháy rừng xảy ra tại vùng Bàu Co, thuộc hai thôn Hưng Long, Thượng Hòa, xã Phong Hiền đã cơ bản được khống chế. Trước đó, vào 9 giờ ngày 29-7, đám cháy rừng xuất phát tại vùng Bàu Co và bùng phát nhanh. Huyện Phong Ðiền đã huy động khoảng 300 người chữa cháy.

Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng quốc lộ 91

Ngày 29-7, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng tại quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Trước đó, từ ngày 27 đến 28-7, khu vực này đã xảy ra nứt đất kéo dài 30m, UBND huyện Châu Phú đã di dời khẩn cấp hai nhà dân, hai quán nước trong khu vực nguy hiểm; ngành giao thông đã cử lực lượng túc trực phân luồng xe để hạn chế ùn ứ trên tuyến quốc lộ. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho thấy có nhiều hố sâu nằm dưới lòng sông Hậu đe dọa sạt lở, dự kiến kinh phí thi công lấp các hố này hơn 25 tỷ đồng.

PV

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41037302-xuat-hien-vung-ap-thap-tren-bien-%C3%B0ong-co-kha-nang-manh-len-thanh-bao.html