Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh trong tháng 6
Trong tháng 6/2025, xuất khẩu rau quả đã trở lại mạnh mẽ, với mức tăng 31% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm, nên tính chung 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 7% so với cùng kỳ năm trước...

Xuất khẩu sầu riêng đã sôi động trở lại.
Theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 6/2025, xuất khẩu rau quả đạt 807 triệu USD, tăng gần 31% so với tháng liền kề trước đó và tăng trên 20% so với cùng kỳ 2024. Con số của Hải quan vượt rất xa so với số liệu do Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố trước đó (750 triệu USD).
Cũng theo Cục Hải quan, tăng trưởng mạnh trong tháng 6 đã giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm đạt 3,1 tỉ USD. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2024, xuất khẩu rau quả nửa đầu năm nay vẫn giảm 7%, nguyên nhân do kim ngạch giảm sâu trong 5 tháng đầu năm.
CHUYỂN DỊCH MẠNH VỀ THỊ TRƯỜNG
Trong nửa đầu năm nay, mặt hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm 48,2%. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu lần lượt là 9% và 5,7%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm 35,1%, thị trường Hoa Kỳ tăng 65,2%, thị trường Hàn Quốc giảm 5,3%. Những biến động trái chiều tại các thị trường này đã khiến xuất khẩu rau quả đang có sự dịch chuyển mạnh về thị trường, giảm tỷ trọng ở thị trường Trung Quốc, tăng ở thị trường Hoa Kỳ.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), cho biết sau 5 tháng sụt giảm liên tục, kết quả xuất khẩu rau quả tăng vọt trong tháng 6 cũng khiến nhiều người bất ngờ.
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu đột ngột tăng mạnh, theo ông Nguyên, các vùng trồng sầu riêng trọng điểm của chúng ta như các tỉnh miền Đông và Tây nguyên tỷ lệ bị nhiễm cadimi ít nên lượng hàng đạt chuẩn xuất khẩu tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cẩn trọng hơn trong việc kiểm tra chất lượng hàng trước khi xuất khẩu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn kiểm tra chất lượng tại vườn trước khi thu mua. Ngoài ra, nguồn hàng sầu riêng tại Thái Lan bị gián đoạn giữa các vùng trồng nên nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam tăng. Sự phục hồi của ngành hàng sầu riêng giúp kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 tăng vọt.
"Sau thời gian nhiều tháng, đến thời điểm này, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng mạnh, kể cả xuất khẩu vào thị trường Thái Lan. Bên cạnh sầu riêng, nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng tăng mạnh như dừa Các thị trường xuất khẩu rau quả quan trọng của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Úc, UAE…".
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo xuất khẩu sầu riêng có khả năng phục hồi mạnh từ quý 3 của năm 2025, đặc biệt vào mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, mức phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc doanh nghiệp và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết. Nếu tình trạng vi phạm còn tái diễn thì rủi ro xuất khẩu ngành hàng này vẫn còn rất lớn.
THỊ TRƯỜNG NÀO BÂY GIỜ CŨNG KHÓ TÍNH
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khẳng định trước đây, chúng ta phân ra những thị trường khó tính và những thị trường dễ tính dựa trên yêu cầu của các thị trường về chất lượng và nhất là an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay, thị trường nào cũng là thị trường khó tính, thị trường nào cũng yêu cầu chất lượng phải cao và phải an toàn cho người sử dụng.
Chính vì vậy, để trái cây Việt Nam có thể vào được bất cứ thị trường nào, điều đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị trái cây.
Đồng thời, sản xuất trái cây phải được tổ chức lại để có sản phẩm đủ lớn, đồng đều, đồng nhất về kích thước, hình dạng, chất lượng... Vì thế, ông Bình cho rằng phải có sự liên kết giữa những nhà vườn, trang trại với nhau, để sản xuất ra cùng một loại sản phẩm với sản lượng lớn và chất lượng như nhau. Khi ấy, ngành trái cây sẽ có sự chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cao và việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, sản xuất trái cây cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao tỉ lệ tự động hóa, cơ giới hóa, qua đó có thể tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
"Ứng dụng các công nghệ mới cũng sẽ giúp cho sản xuất trái cây giảm sử dụng tài nguyên và tăng cường bảo vệ môi trường, qua đó xây dựng hình ảnh tốt hơn cho trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây là một yêu cầu rất quan trọng, vì hiện nay tất cả các thị trường trên thế giới đều đang yêu cầu về sản xuất xanh, giảm phát thải...", ông Bình nhấn mạnh.
"Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần đảm bảo sao cho doanh nghiệp, nông dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định liên quan tới trái cây xuất khẩu, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm nhằm răn đe các tổ chức, cá nhân đang có ý định vi phạm về mã vùng trồng, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm".
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Phát triển công nghiệp chế biến trái cây cũng là một giải pháp quan trọng nhằm đưa trái cây Việt Nam đi xa hơn. Theo ông Bình, Trung Quốc là thị trường gần, thuận lợi cho việc xuất khẩu trái cây tươi. Nhưng để đưa trái cây tới những thị trường xa như châu Âu, Hoa Kỳ..., nếu chỉ dựa vào trái cây tươi thì không thể xuất được nhiều, vì thời gian bảo quản của trái cây tươi rất ngắn. Nhiều thị trường lại có xu hướng thích sử dụng trái cây chế biến hơn là trái cây tươi do tính tiện dụng.
Vì vậy, cần phải đẩy mạnh đầu tư vào chế biến trái cây để khắc phục những nhược điểm của trái cây tươi, đồng thời tạo ra được nhiều loại sản phẩm khác nhau, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng ở những thị trường xa, thị trường lớn. Sản xuất, xuất khẩu trái cây chế biến còn làm tăng cao giá trị của trái cây Việt Nam.
“Về mặt thị trường, ngoài việc đẩy mạnh khai thác tối đa những thị trường truyền thống, phải có chính sách thiết thực nhằm phát triển những thị trường mới cho trái cây, nhất là các thị trường xa như Hoa Kỳ, Trung Đông. Nhà nước cần có những quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động như xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường”, ông Bình khuyến nghị.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-rau-qua-tang-truong-manh-trong-thang-6.htm