Xuất khẩu vượt khó, giữ đà tăng trưởng

Với quyết tâm vượt khó, tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, ngay từ đầu năm, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tập trung thực hiện. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nắm bắt tốt tín hiệu thị trường, tập trung nguồn lực, tăng tốc sản xuất, góp phần nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

May quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Pearl Việt Nam, phường Dữu Lâu, TP Việt Trì.

Tín hiệu tích cực

Năm 2022, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, thị trường thế giới có nhiều biến động, tuy nhiên các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất cộng với sự chủ động của các doanh nghiệp đã mang lại kết quả xuất khẩu đáng ghi nhận. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 12,5 tỉ USD, tăng 48% so với cùng kỳ, nằm trong tốp 10 của cả nước. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như điện tử, máy tính, linh kiện điện tử đạt trên 10 tỉ USD; dệt may, trang phục trên 750 triệu USD; plastic, các sản phẩm từ plastic đạt trên 300 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp trong tỉnh là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước EU.

Hiện nay, các doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất, ổn định đơn hàng đồng thời chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh. Tín hiệu vui ngay từ những ngày đầu năm là nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng từ 3 - 6 tháng, kéo theo triển vọng xuất khẩu trong năm 2023. Tháng 1/2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.066 triệu USD, tăng 3,2% so với tháng trước.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp tăng cường kiểm soát chi phí, tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của từng nhãn hàng, nhu cầu thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đa dạng nguồn cung cấp nguyên liệu, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước để tăng tính chủ động, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu của một vài thị trường. Các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế cũng đã có nhiều đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ, xác định hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất, nhập khẩu mục tiêu. Từ đó, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do các yếu tố ngoại cảnh tác động, góp phần đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của xuất khẩu.

Để ứng phó với biến động thị trường, việc nâng cao giá trị gia tăng, củng cố chuỗi cung ứng được doanh nghiệp quan tâm. Các doanh nghiệp cùng với việc tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cũng đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ đi đôi với nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Nhiều doanh nghiệp tập trung hình thành chuỗi sản xuất, phát triển sản xuất xanh, thực hiện chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lại sản phẩm.

Công ty cổ phần Gốm sứ CTH, phường Thanh Vinh, TX Phú Thọ chuyên sản xuất gạch men, năm 2022 sản lượng sản xuất và tiêu thụ của Công ty đạt trên sáu triệu m2 gạch men. Trong đó, 30% sản lượng phục vụ xuất khẩu, thị trường chủ yếu là Mỹ, Úc, Đài Loan (Trung Quốc). Ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: “Để xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm vào thị trường khó tính, thời gian qua, Công ty liên tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chiến lược cạnh tranh. Tín hiệu vui là chúng tôi đã có các đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu năm nay. Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 50% sản lượng sản xuất, trong đó mở rộng xuất khẩu ở thị trường châu Âu. Thời gian tới, Công ty tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh các dòng sản phẩm kích thước lớn và dòng gạch siêu mỏng là những dòng sản phẩm xanh, thân thiện, bảo vệ môi trường khi tiết kiệm tới 60% nguyên liệu, giảm 40% năng lượng tiêu thụ, tạo ra ít carbon hơn 50%, đáp ứng được xu hướng ưa chuộng vật liệu bền vững của người tiêu dùng”.

Sản xuất dần phục hồi, các đơn vị, cơ sở sản xuất tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Chi cục Hải quan Phú Thọ rà soát hồ sơ thông quan cho các doanh nghiệp.

Đồng hành với doanh nghiệp

Theo dự báo năm 2023, tình hình trong nước và thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, nguyên phụ liệu cho sản xuất giá có nhiều biến động khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì vậy, đồng hành với doanh nghiệp, các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tiếp cận thị trường, thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, thị trường là vấn đề tiên quyết, việc hiểu rõ đặc điểm, nhu cầu, lợi thế so sánh và đặc điểm chuỗi cung ứng tới từng thị trường là điều kiện để hàng hóa có thể thâm nhập. Do vậy, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2022, Sở Công thương hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp tiếp cận thị trường Mỹ và Trung Quốc thông qua các văn phòng xúc tiến thương mại tại nước ngoài, giới thiệu 37 doanh nghiệp tham gia gắn kết xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, cập nhật danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu. Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh; tăng cường công tác thông tin, làm tốt công tác dự báo nhu cầu, tình hình thị trường xuất khẩu, ứng dụng phương thức thương mại điện tử giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Cùng với đó, các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh như Cục thuế, Chi cục Hải quan, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thời gian qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, rút ngắn thủ tục thông quan hàng hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã thể hiện rõ thế mạnh trong hoạt động hải quan và cũng là bước đột phá trong cải cách hành chính của Chi cục Hải quan Phú Thọ.

Đồng chí Lê Thành Phong- Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Thọ cho biết: “Chi cục triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế và rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Chi cục Hải quan luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thông quan hàng hóa ngay khi tờ khai hải quan được truyền trên hệ thống. Đồng thời Tổ tư vấn nghiệp vụ của Chi cục thường xuyên trao đổi, giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cần theo sát diễn biến từ thị trường để có thể kịp thời nắm bắt và thực hiện các quy định, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nguồn gốc rõ ràng, thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc.

Với những giải pháp của các sở, ngành, địa phương cùng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh linh hoạt, phù hợp của các doanh nghiệp, kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của tỉnh sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/xuat-khau-vuot-kho-giu-da-tang-truong/191045.htm