Xứng danh anh Bộ đội Cụ Hồ

Đồng chí Võ Văn Nhi là một cán bộ trưởng thành sau ngày thống nhất đất nước. Đây là một trong số những học sinh ưu tú của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã viết 'huyết thư' tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Khi còn công tác cho đến lúc hưu trí về sống tại địa phương, đồng chí luôn sống, làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng chí Võ Văn Nhi là một trong số những học sinh ưu tú của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã viết "huyết thư" tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Đồng chí Võ Văn Nhi là một trong số những học sinh ưu tú của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã viết "huyết thư" tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

NGƯỜI BỘ ĐỘI CỦA NHÂN DÂN

Đồng chí Võ Văn Nhi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, có cha hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Trước tình hình chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc diễn ra, theo lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, đồng chí cùng các đồng đội của mình, khi đó đang là học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã tình nguyện xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới vào tháng 11-1978. Sau đó, được đưa đi học hạ sĩ quan ở Trường Hạ sĩ quan Quân khu 9.

Đồng chí Võ Văn Nhi trong ngày dùng máu viết đơn nhập ngũ (năm 1979).

Đồng chí Võ Văn Nhi trong ngày dùng máu viết đơn nhập ngũ (năm 1979).

Đồng chí Võ Văn Nhi hạnh phúc khi được đứng trong hàng ngũ đoàn quân tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Võ Văn Nhi hạnh phúc khi được đứng trong hàng ngũ đoàn quân tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, chấp hành lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, đồng chí Nhi xin trở về cùng với học sinh, sinh viên và các anh em lực lượng khác của tỉnh Tiền Giang ra biên giới phía Bắc học tập, lao động, phục vụ trong Quân đội, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới. Môi trường Quân đội đã huấn luyện, trui rèn đồng chí Nhi trưởng thành.

Kết quả thành tích 6 tháng, hằng năm, đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt thành tích Chiến sĩ thi đua cấp Trung đoàn trở lên và được thưởng phép. Thời gian ấy, đồng chí Nhi vừa trong Quân đội, vừa tham gia phong trào với Chi đoàn Thanh niên ở địa phương - nơi đóng quân. Đồng chí Nhi góp phần cùng đơn vị làm tốt công tác dân vận của quân đội, góp phần tăng gia sản xuất và đem lời ca tiếng hát của của Bộ đội Cụ Hồ đến với nhân dân vùng có nhiều dân tộc sinh sống.

Đối với địa phương nơi đóng quân, đến nay, bà con vẫn còn nhớ đến đồng chí Nhi dù thời gian đã trôi qua 41 năm. Khi còn công tác, mỗi dịp ra Hà Nội, đồng chí Nhi đều lên biên giới thăm hỏi, tặng quà những người đã từng nuôi dưỡng, cưu mang đồng chí trong thời gian học tập, công tác, phục vụ chiến đấu.

PHẤN ĐẤU HẾT MÌNH

Tháng 12-1982, đồng chí Nhi được chuyển ngành về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tiền Giang với chức danh Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (16 năm), tiếp tục tham gia học tập, bổ túc văn hóa, học Trung cấp Lý luận chính trị và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Hà Nội (1990 - 1992) làm nguồn cán bộ lãnh đạo của tỉnh Tiền Giang.

Năm 2005, đồng chí Nhi được Tỉnh ủy Tiền Giang phân công làm Phó trưởng Ban - Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ, thời gian giữ chức danh 5 năm. Do đồng chí có thời gian là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhiều năm nên am tường về cán bộ và cán bộ lão thành cách mạng của tỉnh, tiếp tục phát huy công việc như chăm sóc, bảo vệ, thăm hỏi các chú, các anh, các đồng chí về sức khỏe.

Giai đoạn trước đây, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ là cơ quan trực thuộc ngành Y tế, sau đó được kiện toàn nâng thành cơ quan Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trực thuộc Tỉnh ủy, đồng chí được phân công với vai trò nhằm củng cố kiện toàn Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ từ thành lập bộ máy, xây dựng quy chế, lề lối làm việc, mô hình hoạt động trong điều kiện mới.

Đồng chí Võ Văn Nhi (bên phải) cung cấp tư liệu về Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 cho cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang.

Đồng chí Võ Văn Nhi (bên phải) cung cấp tư liệu về Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 cho cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang.

Đến năm 2009, đồng chí Nhi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang phân công và bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian giữ chức vụ 9 năm. Khi làm việc tại đây, 2 năm đầu, đồng chí phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, sau đó được phân công phụ trách các lĩnh vực người có công trong thời gian 7 năm.

Thời gian công tác ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng chí Nhi đã tham mưu và góp phần cùng với UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện tốt công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, nhất là thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, thực hiện tốt Nghị định 31 của Chính phủ về triển khai thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công, sửa đổi phù hợp trong điều kiện mới, tập trung nỗ lực, đảm bảo thực hiện đúng, đủ và làm tốt các chính sách mới ban hành. Điển hình như chính sách người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con của họ.

Ngoài ra, đồng chí Nhi góp phần tham mưu các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác nâng cấp, cải tạo các Nghĩa trang Liệt sĩ, Nhà bia ghi danh Liệt sĩ cấp tỉnh, huyện, xã khang trang, xanh - sạch - đẹp, phù hợp với điều kiện ngân sách của địa phương, Trung ương hỗ trợ.

Trong thời điểm này, các nghĩa trang bị xuống cấp nhiều nên đồng chí tham mưu với UBND tỉnh cải tạo khang trang, sạch đẹp, mộ bia được nâng cấp chỉnh trang để gia đình thân nhân liệt sĩ đến thăm và cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh.

Đối với việc quy tập hài cốt liệt sĩ ở Tiền Giang, còn rất nhiều đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng, bộ đội, các lực lượng dân chính đảng đã hy sinh đến nay hài cốt chưa quy tập được. Đồng chí Nhi đã phối hợp cùng Tỉnh đội, Huyện đội cùng các ngành, địa phương thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương về xác định ADN, danh tính liệt sĩ chưa biết tên đưa về thân nhân gia đình các đồng chí đã hy sinh.

Theo đồng chí Nhi, việc này cần thời gian lâu dài, đòi hỏi người làm công tác chính sách phải hết sức tâm huyết. Ngoài ra, đồng chí còn phối hợp với Tỉnh đội, Thanh niên xung phong của tỉnh Tiền Giang đi nhận hài cốt liệt sĩ các đơn vị, địa phương tìm được chuyển về tỉnh.

Khi được phân công phụ trách lĩnh vực phụ trách người có công, đồng chí Nhi tham mưu với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức đưa người có công với cách mạng, nhất là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam/dioxin... đi Hà Nội viếng Lăng Bác Hồ, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng...), tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng của Hà Nội và nhiều địa phương khác.

Đồng chí Nhi kể lại một kỷ niệm nhớ sâu sắc nhất khi đưa người có công của tỉnh ra Hà nội đến Cao Bằng thăm hang Pác Bó, nơi Bác Hồ về nước để hoạt động cách mạng. Có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công chưa một lần đi ra Hà Nội để viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nên khi được vào viếng Lăng Bác Hồ đã hết sức xúc động, có người đứng lặng trước linh cửu của Bác rất lâu.

Có nhiều bác tâm sự: “Chỉ mong được viếng Lăng Bác Hồ, rồi về nhà chết cũng được” hay những cụ 70, 80 tuổi ra đến hang Pác Bó đòi lên hang Pác Bó mới chịu, không chịu ở lại phía sau, dù tuổi cao sức yếu. Có những người chưa một lần đi máy bay, phải dẫn dắt, hướng dẫn, hỏi thăm sức khỏe thường xuyên để đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi...

Những hình ảnh đó luôn ghi nhớ trong tâm trí của đồng chí Nhi để hãnh diện khi đề xuất của mình được UBND tỉnh quan tâm, cấp kinh phí, tổ chức các đoàn đảm bảo an toàn đi đến nơi về đến chốn.

Chính những nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công, đồng chí Nhi đã 3 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, hằng năm đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở được các Bộ, ngành, UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen.

Sau 40 năm làm việc và cống hiến đồng chí Nhi được tặng thưởng 42 Bằng khen do các cấp, các ngành Trung ương và địa phương trao tặng. Đặc biệt, năm 2016, đồng chí Nhi được Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội. Đến tháng 12-2018, vì lý do sức khỏe, đồng chí Nhi xin nghỉ hưu.

GẦN GŨI VỚI DÂN

Đối với công tác vận động xã hội địa phương, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ đồng chí Nhi đều gương mẫu đi đầu, vận động bà con cùng ủng hộ đóng góp như vận động kinh phí làm đường, lắp đặt đèn đường, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết... với tổng trị giá gần 200 triệu đồng.

Đặc biệt, bà con trong xóm ấp có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, đồng chí Nhi đều trực tiếp đi vận động các doanh nghiệp hỗ trợ vượt qua khó khăn. Ngoài ra, khi đường Đoàn Thị Nghiệp xuống cấp nặng, đồng chí Nhi trực tiếp gặp lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho để xin hỗ trợ sửa chữa giúp việc đi lại của nhân dân được thuận tiện.

Với đồng chí Võ Văn Nhi thì đồng đội luôn trong tim mình.

Với đồng chí Võ Văn Nhi thì đồng đội luôn trong tim mình.

Chính sự quan tâm của của các cấp, các ngành về mặt vật chất lẫn tinh thần, sự chăm lo của gia đình, anh em, đồng chí, đồng đội, sức khỏe hiện nay của đồng chí Nhi đang trong quá trình điều trị tạm ổn. Bây giờ, đồng chí có thể sinh hoạt bình thường nhưng không thể làm việc nặng. Thường xuyên rèn luyện sức khỏe bằng các môn thể dục như cầu lông, đi xe đạp, đi bộ,... từ đó giúp đồng chí Nhi rèn cho mình có sức bền chống chọi bệnh tật.

Mượn lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 20, ngày 22-12-1964 thay cho lời kết về đồng chí Võ Văn Nhi - Bộ đội Cụ Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đó cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ. Tấm gương của đồng chí Nhi đã thôi thúc thế hệ trẻ chúng ta phấn đấu, học tập và rèn luyện để xứng đáng với những đồng chí đã hết mình phụng sự cho Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh.

KIM TRUYỆN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202008/dong-chi-vo-van-nhi-xung-danh-anh-bo-doi-cu-ho-905593/