Xung lực mới cho kỷ nguyên vươn mình
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu chính là 'giao lộ' hội tụ tri thức trẻ Việt Nam khắp năm châu cùng về hiến kế và xác lập tầm nhìn dài hạn cho những lĩnh vực mũi nhọn nhằm cụ thể hóa 'bộ tứ' nghị quyết trụ cột phát triển đất nước. Họ chính là 'xung lực mới' để tạo ra chuyển động mới, đột phá mới để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.


Với khí thế mới cho giới khoa học ngay sau Nghị quyết 57, GS.TSKH. Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) nhận định, trí thức trẻ đang bước vào giai đoạn vàng để góp sức vào bước ngoặt lịch sử của dân tộc.
Theo GS Hồ Tú Bảo, trong nghiên cứu khoa học, mỗi người thường bắt đầu bằng việc đào sâu một lĩnh vực chuyên môn. Tuy nhiên, trên con đường đi sâu và xa của nghiên cứu, ta cũng sẽ thấy thêm rằng, giá trị lớn của khoa học còn nằm ở việc kết nối các lĩnh vực nghiên cứu, từ đó có thể tạo ra những giải pháp và đột phá cho các bài toán lớn.
Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ số, nền tảng dữ liệu và mạng lưới toàn cầu mở rộng, các trí thức trẻ có điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết để kết nối, chia sẻ và hợp tác xuyên biên giới. Chính vì vậy, việc định hướng và thúc đẩy các bạn trẻ quan tâm đến tư duy liên ngành là rất quan trọng.
Những người trẻ có khả năng nhìn ra “các mối nối” giữa các lĩnh vực khác nhau sẽ có nhiều cơ hội hơn để tham gia giải quyết các bài toán lớn của đất nước. Đặc biệt, với đội ngũ trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài, việc phối hợp liên ngành còn trở thành điều kiện tiên quyết để tối ưu nguồn lực chất xám, cùng hướng tới các mục tiêu chung.
"Trên hành trình phát triển nghề nghiệp, ai trong chúng ta đều phải khẳng định chuyên môn riêng của bản thân. Nhưng sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều nếu ta có thêm mong muốn mở rộng chuyên môn với những hợp tác liên ngành, vì lời giải cho những vấn đề lớn hơn. Đây cũng là con đường để mỗi người góp sức cho những vấn đề chung của đất nước, những khao khát giàu mạnh của xứ sở, và hạnh phúc của người dân trên quê hương mình. Và các bạn chính là lực lượng có tiềm năng đổi mới mạnh mẽ nhất”.
GS. Hồ Tú Bảo
Theo GS. Hồ Tú Bảo, muốn hình thành một cộng đồng nghiên cứu hiệu quả, trước hết cần một tinh thần cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Mỗi cá nhân không thể làm được tất cả, nhưng nếu biết trao đổi tích cực, mở lòng tiếp nhận quan điểm khác biệt và phối hợp trong tinh thần tập thể, thì sức mạnh tổng hợp sẽ được phát huy.


GS.TSKH. Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM).
Bên cạnh đó, việc kết nối không chỉ dừng ở phạm vi thế hệ hiện tại, mà còn cần tạo sự gần gũi, truyền lửa giữa các thế hệ giữa những người đi trước và các bạn trẻ mới vào nghề. Chỉ khi có sự gắn kết, chia sẻ chân thành và cùng nhau hành động, cộng đồng trí thức mới có thể hình thành một “mạch tri thức” liền mạch, bền vững và lan tỏa.
Với GS. Thái Đức Kiên - người đã vươn đến vị trí giáo sư người Việt đầu tiên ở Trường đại học Sejong (Hàn Quốc), sở hữu hơn 75 công bố khoa học quốc tế, những nghiên cứu của anh góp phần đảm bảo an toàn cho các công trình đặc biệt như lò phản ứng hạt nhân, chìa khóa cho những cơ hội hợp tác chất lượng chính là sự chân thành trong mối quan hệ cá nhân.

“Tôi tự nhận mình không phải là một nhà khoa học giỏi. Nhưng những thành tựu mà tôi có được như hôm nay, một phần nhờ sự chân thành trong mối quan hệ hợp tác với bất kỳ đối tác nào. Sự chân thành làm cho người ta có sự tin tưởng. Và khi đã có lòng tin, sự hợp tác sẽ phát huy tác dụng một cách mạnh mẽ nhất”, GS. Thái Đức Kiên nói.
Theo GS Kiên, các nhà khoa học tự tìm đến nhau nếu họ thấy được những minh chứng cho sự trưởng thành học thuật của bạn. Đó là bộ sưu tập các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng và được công nhận rộng rãi trong giới học thuật, cũng như những dự án đã thực hiện. Để có được điều đó, nhà khoa học trẻ phải kiên trì, làm việc nghiêm túc, trung thực, tận tâm, có bản lĩnh.


GS. Thái Đức Kiên - người đã vươn đến vị trí giáo sư người Việt đầu tiên ở Trường đại học Sejong (Hàn Quốc) đã và đang dẫn dắt nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam.


Là Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, PGS.TS Đào Việt Hằng cho rằng, việc kết nối giữa các trí thức trẻ không chỉ nhằm tạo nên sức mạnh đoàn kết, mà còn hướng tới việc hình thành một hệ thống kết nối học thuật giữa các trí thức trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi phải tìm ra “tiếng nói chung” - đó chính là những lĩnh vực mà nhiều trí thức cùng quan tâm.
Họ sẽ là những mảnh ghép quan trọng cho không gian giao thoa học thuật trao đổi về những vấn đề liên ngành mà không cảm thấy bị “lạc nhịp”. Và dù hoạt động trong y tế, kinh tế hay giáo dục thì vẫn có thể tìm thấy mối quan tâm chung.



PGS.TS Đào Việt Hằng cho rằng, trong cái “chung” cần có cái “riêng”, mỗi nhà khoa học phải phát triển chiều sâu chuyên môn của mình để đóng góp hiệu quả vào hợp tác liên ngành.
Tuy nhiên, trong cái “chung” cần có cái “riêng”, mỗi nhà khoa học phải phát triển chiều sâu chuyên môn của mình để đóng góp hiệu quả vào hợp tác liên ngành. Trong quá trình nghiên cứu chuyên sâu, họ sẽ dần cải thiện tư duy mở, dám giao thoa, dám hợp tác để phát triển. Những kết nối ấy sẽ giúp các trí thức trẻ không chỉ phát triển bản thân mà còn tiếp cận được với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang thực sự cần giải pháp ứng dụng.
Có những nghiên cứu được ấp ủ nhiều năm nhưng ở nơi khác, lời giải đã có hoặc thị trường đang rất cần. Nếu không có kênh trao đổi, cập nhật thông tin, thì công trình đó khó vượt qua phạm vi phòng thí nghiệm để tạo giá trị kinh tế - xã hội. Vì vậy, điểm mấu chốt khi tạo ra một diễn đàn chung là mở rộng mạng lưới kết nối, mở rộng góc nhìn và chủ động bước ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm cơ hội mới.
PGS.TS Đào Việt Hằng - Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và TS. Phạm Huy Hiệu - thành viên Ban Điều hành Diễn đàn đã có cuộc trò chuyện ngắn chia sẻ về chất xúc tác trong nghiên cứu liên ngành.
Theo PGS.TS Đào Việt Hằng, diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm nay với mục tiêu thu hút các trí thức trẻ dưới 40 tuổi, trình độ tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ - những người đã có trải nghiệm nghiên cứu và tiềm năng tạo ảnh hưởng.
Sự khác biệt lớn nhất là cách tiếp cận của Diễn đàn đi từ nhu cầu thực tiễn, từ bài toán của các bộ, ngành, nhà đầu tư, đến các nhóm nghiên cứu cụ thể. Mạng lưới cũng gửi lời mời đến các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực AI, bán dẫn, năng lượng mới để thúc đẩy kết nối và đầu tư cho những ý tưởng nghiên cứu liên ngành xuất sắc.
Diễn đàn khai thác tri thức chuyên sâu của từng nhà khoa học trẻ, đặt họ vào những bài toán lớn đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều lĩnh vực khác nhau mới có thể giải quyết. Từ đó, hình thành một ngôn ngữ chung - “ngôn ngữ liên ngành”. Việc phát triển chuyên sâu và mở rộng liên ngành không đối lập, mà bổ trợ, tạo không gian phát triển lớn hơn.
Mỗi nhà khoa học trẻ, với sự chuyên sâu và tư duy rộng mở, không chỉ đại diện cho hình ảnh một Việt Nam trí tuệ, hội nhập, mà còn là hạt nhân kiến tạo nên những bước ngoặt phát triển mang tầm vóc thời đại. Khi họ cùng nhìn về phía trước, cùng đặt câu hỏi lớn và cùng tìm lời giải xuyên ngành, xuyên biên giới - đó chính là lúc tri thức Việt đang thực sự chuyển mình, vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là chương trình thường niên được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2018. Qua 5 kỳ diễn đàn, đã có sự tham gia của hơn 1.000 trí thức trẻ trong và ngoài nước đóng góp vào các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển tài năng trẻ Việt Nam. Qua các năm tổ chức Diễn đàn, T.Ư Đoàn đã thành lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu có cơ chế hoạt động, trao đổi thường xuyên của hơn 2.000 trí thức trẻ trên toàn thế giới.
Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025, chủ đề thảo luận được thiết kế tập trung hơn vào các nhóm vấn đề đang nổi lên mang tính chất toàn cầu. Các đại biểu của diễn đàn sẽ tập trung trí tuệ để thảo luận với 4 nhóm nội dung gồm: ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh và phát triển bền vững; thích ứng bền vững trước các thách thức của biến đổi toàn cầu; phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xung-luc-moi-cho-ky-nguyen-vuon-minh-post1761108.tpo