Ý kiến thảo luận của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao

Sáng 26/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sau các phiên làm việc tại Hội trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có phiên thứ hai tham gia thảo luận ở tổ.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 10 chủ trì phiên thảo luận ở tổ gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk và Hậu Giang.

Dự phiên thảo luận của Tổ thảo luận số 10 có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Phiên thảo luận tập trung vào hai nội dung là góp ý vào dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Mở đầu phiên thảo luận, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 10, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong gợi ý các đại biểu cần tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với sự cần thiết ban hành, tên gọi, bố cục của Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; cho ý kiến về giá khởi điểm; số tiền đặt trước; trình tự, thủ tục đấu giá; các trường hợp xảy ra như có một người tham gia đấu giá, một người trả giá; nghĩa vụ, quyền lợi của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng cho, tặng, thừa kế biển số...

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 10 cũng gợi ý về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trong đó đề nghị các đại biểu của 4 tỉnh tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành Nghị quyết; về quản lý tài chính ngân sách nhà nước, chính sách ưu đãi về thuế, chính sách quy hoạch, ưu đãi về chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt thu hút làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ vào sáng 26/10 đối với Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng: Việc ban hành nghị quyết là hết sức cần thiết bởi thời gian qua đã có nhiều đia phương thực hiện đấu giá biển số xe, được Nhân dân, tổ chức, cá nhân đánh giá cao và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do chưa có hành lang pháp lý và vướng mắc về cơ chế chính sách.

Đại biểu Sùng A Lềnh dẫn chứng thực tế nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là "biển số đẹp" và sẵn sàng chi phí lớn để sở hữu biển số đó.

Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng "biển số đẹp" bằng hình thức đấu giá là “lợi ích kép”, bởi vừa đáp ứng được nhu cầu vừa tạo sự công bằng xã hội, nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tránh cơ chế xin - cho và thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe.

Tham gia vào các nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết, Đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, quy định tại Khoản 1, Điều 5 của dự thảo Nghị quyết về giá khởi điểm, việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô tô là chưa có quy định và rất khó thực hiện. Do vậy, quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 (40 triệu đồng) và vùng 2 (20 triệu đồng) sẽ không còn ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc. Đại biểu đề nghị không giới hạn và phân biệt giữa các vùng, áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm toàn quốc là 40 triệu đồng.

Tại Khoản 3, Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định: “Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ đấu giá”. Về nội dung này, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng chưa phù hợp, đề nghị sửa lại là: “Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô phải được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách”. Như thế mới đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch.

* Chủ trì phiên thảo luận của Tổ thảo luận số 10 trước đó vào chiều 24/10, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Các ý kiến của Tổ trưởng Tổ thảo luận số 10 và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai được chuẩn bị công phu, nghiên cứu kỹ lưỡng, lập luận chắc chắn nên được Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao.

Gợi ý tại phiên thảo luận của Tổ thảo luận số 10 về các nội dung trên, đồng chí Đặng Xuân Phong đề nghị khi nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền cần đối chiếu với các quy định khác và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai gợi ý việc thảo luận cần bám theo Kết luận số 69 ngày 6/7/2022 của Chính phủ có quy định đối với xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng. Một số quy định của Chính phủ về thời hiệu xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, Luật Công chức, viên chức.

Trực tiếp tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị xem xét lại đối tượng áp dụng là cá nhân kinh doanh tại Khoản 2, Điều 2 của dự thảo luật quy định về tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính.

Lý do là đối chiếu với một số điều, khoản quy định tại Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Nghị định 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thương mại, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì quy định tại Khoản 2, Điều 2 của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền là chưa thống nhất với các luật khác và văn bản dưới luật, sẽ khó áp dụng trên thực tế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361586-y-kien-thao-luan-cua-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-lao-cai-duoc-quoc-hoi-ghi-nhan-danh-gia-cao