Ý nghĩa lớn sau kế hoạch thăm Việt Nam của tân thủ tướng Nhật

Trả lời Zing, các chuyên gia quốc tế đánh giá việc ông Yoshihide Suga chọn Việt Nam cho chuyến công du đầu tiên sau nhậm chức, gửi đi một thông điệp quan trọng.

Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Yoshihide Suga đang có kế hoạch đến thăm Việt Nam và Indonesia vào khoảng thời gian giữa tháng 10, trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Chia sẻ với Zing, giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định kế hoạch này cho thấy sự công nhận đối với vai trò quốc tế của hai quốc gia Đông Nam Á.

Cụ thể, ông Thayer giải thích, Việt Nam hiện là Chủ tịch ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm tới. Trong khi đó, Indonesia là thành viên của nhóm G20 và nhiệm kỳ của nước này trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sắp kết thúc.

Tái khẳng định cam kết của Nhật Bản

Ông Thayer cho rằng chuyến thăm cũng nhằm chứng tỏ sự liên tục trong quan hệ của Tokyo với Đông Nam Á, đồng thời thể hiện sự tái cam kết của tân lãnh đạo Nhật Bản đối với tầm nhìn của cựu Thủ tướng Shinzo Abe về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

 Việc ông Yoshihide Suga chọn Việt Nam cho lịch trình công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức, là bước đi quan trọng của tân thủ tướng. Ảnh: Getty.

Việc ông Yoshihide Suga chọn Việt Nam cho lịch trình công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức, là bước đi quan trọng của tân thủ tướng. Ảnh: Getty.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và chính trị của các nước châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng chuyến thăm Việt Nam và Indonesia là bước đi quan trọng.

Theo ông, Nhật Bản dưới thời ông Shinzo Abe đóng vai trò ngoại giao quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Abe đã kiên định theo đuổi chính sách chủ động gắn kết với khu vực trong khi duy trì quan hệ chặt chẽ với đồng minh an ninh chủ chốt của Nhật Bản là Mỹ - ngay cả sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.

Ông trở thành thủ tướng Nhật Bản đầu tiên kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran đến thăm Tehran vào mùa hè năm 2019, sau khi căng thẳng bùng phát giữa Iran và Mỹ.

"Ông Abe rất uyển chuyển trong việc thích ứng quá trình chuyển giao từ chính quyền do ông Barack Obama lãnh đạo sang các chính sách 'Nước Mỹ trên hết' của chính quyền Tổng thống Trump. Cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam, ông Abe đã giúp giữ được TPP (nay đổi tên thành CPTPP - PV) sau khi Mỹ rút lui", tiến sĩ Chapman nói với Zing.

"Tóm lại, ông Abe đã xây dựng vị thế cho Nhật Bản trong vai trò nhà hòa giải để hợp tác với các đồng minh truyền thống, thu hẹp những khác biệt trong khu vực và giảm thiểu căng thẳng. Ông Abe được coi là bộ mặt của chính sách ngoại giao này".

Thủ tướng Suga dù tuyên bố rằng ông muốn xây dựng chính sách đối ngoại của riêng mình, nhưng chính sách ngoại giao chủ động người tiền nhiệm Abe đang có sức ảnh hưởng lớn.

"Ông Suga sẽ dựa vào những thành viên nội các từ thời ông Abe, bao gồm ông Taro Kono và Toshimitsu Motegi. Bởi vậy, trong những năm đầu tiên trong nhiệm kỳ, ông có thể tiếp tục theo đuổi chính sách tương tự ông Abe", ông Chapman nói.

Người tiền nhiệm của ông Suga, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, cũng chọn Việt Nam và Indonesia làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 vào tháng 12/2012. Giáo sư Thayer cho rằng đây cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của ông Suga.

Tăng cường quan hệ với Việt Nam

Về phía Việt Nam, ông Chapman đánh giá Nhật Bản giữ vai trò là nguồn lực quan trọng trong quan hệ kinh tế và quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng đi lên về lâu dài.

"Virus corona đã gây ra các đợt suy thoái trên toàn cầu và Việt Nam, dù đã đạt được thành tích ấn tượng trong việc đối phó với đại dịch nhưng nền kinh tế cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Nhật Bản là một đối tác quan trọng trong việc giải quyết bài toán này", chuyên gia nói với Zing.

 Ông Suga có thể kế thừa nhiều chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Abe. Ảnh: Getty.

Ông Suga có thể kế thừa nhiều chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Abe. Ảnh: Getty.

Ông cũng nhận định rằng về an ninh, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký kết với Việt Nam thỏa thuận giúp Cảnh sát biển Việt Nam đóng mới 6 tàu tuần tra. Các tàu sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động vào tháng 10/2025.

"Như tôi đã đề cập trước đó, ông Yoshihide Suga sẽ cần thời gian để tìm kiếm chính sách ngoại giao mang dấu ấn riêng của mình, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục quỹ đạo đi lên", ông Chapman nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Thayer cho rằng Nhật Bản và Việt Nam đang có quan hệ kinh tế trọng yếu. Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế và Thủ tướng Suga muốn thể hiện tín hiệu Nhật Bản tiếp tục gắn kết trong lĩnh vực này với Việt Nam.

Theo nguồn tin từ chính phủ Nhật, ông Suga sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về chuyến công du sau khi kiểm tra tình hình dịch Covid-19 tại Nhật Bản và hai điểm đến trong kế hoạch ở Đông Nam Á, hai quốc gia đang kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 1/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp, hai bên duy trì trao đổi tiếp xúc ở các cấp dưới nhiều hình thức khác nhau. Với tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp với cả hai bên".

Sau khi trở thành thủ tướng Nhật Bản hồi giữa tháng 9, ông Suga đã điện đàm song phương với lãnh đạo các nước bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, nhưng cũng muốn có các cuộc gặp trực tiếp.

Đỗ Quyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/y-nghia-lon-sau-ke-hoach-tham-viet-nam-cua-tan-thu-tuong-nhat-post1137354.html