Ý nghĩa lớp tập huấn nhằm giảm thiểu bệnh Thalassmia tại Nghệ An

Thalassemia là một trong những căn bệnh đã và đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến giống nòi. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi có hiểu biết đầy đủ về bệnh.

Căn bệnh nguy hiểm

Sáng 3/7, Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn về truyền thông nhằm giảm thiểu bệnh Thalassmia (bệnh Tan máu bẩm sinh) cho gần 170 viên chức dân số cấp huyện, xã và cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản.

Thalassemia là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Đây là một trong những căn bệnh đã và đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến giống nòi. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi có hiểu biết đầy đủ về bệnh và cách phòng tránh.

Hiện nay, Thalassemia đang là vấn đề quan tâm của rất nhiều nước trên Thế giới với hơn 7% dân số toàn cầu mang gen bệnh, có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh này, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo của Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An, hàng năm số bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm khoảng 350 - 400 người. Đây chỉ là số bệnh nhân được phát hiện và đang điều trị tại một số bệnh viện. Thực tế ở cộng đồng, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cao, số lượng bệnh nhân chưa được phát hiện khá lớn. Điều đó cho thấy, chưa có đánh giá cụ thể thực trạng bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh tại Nghệ An.

BS CKI Phan Văn Huê giới thiệu một cách chi tiết, dễ hiểu nhất về căn bệnh tan máu bẩm sinh.

BS CKI Phan Văn Huê giới thiệu một cách chi tiết, dễ hiểu nhất về căn bệnh tan máu bẩm sinh.

Tại buổi tập huấn, BS.CKI Phan Văn Huê, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An giới thiệu một cách chi tiết, dễ hiểu nhất về căn bệnh cũng như các dấu hiệu nhấn biết cho các học viên phần lớn là người dân tộc thiểu số ở vùng rẻo cao Kỳ Sơn. Ngoài ra, sự nguy hiểm khi phát hiện muộn và những hệ lụy khôn lường của căn bệnh này cũng được BS Huê chỉ rõ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An cho biết thêm, các hoạt động phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là bước tiến quan trọng trên chặng đường đẩy lùi bệnh Thalassemia.

Gần 170 viên chức dân số cấp huyện, xã và cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản tại buổi tập huấn.

Gần 170 viên chức dân số cấp huyện, xã và cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản tại buổi tập huấn.

Trong đó, Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh (Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An) được lựa chọn triển khai thí điểm trong giai đoạn 1 của Chương trình (từ năm 2021 - 2025) nhằm hướng tới mục tiêu: Giảm số ca phù thai do bệnh Thalassemia, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân hiện tại.

Phó Chi cục trưởng nhấn mạnh: "Đây là nội dung quan trọng có ý nghĩa nhân văn trong nâng cao sức khỏe cộng đồng. Bởi vậy, các học viên cần tích cực cập nhật kiến thức để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh; lợi ích của việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh; giúp cho mọi trẻ em đều được sinh ra khỏe mạnh; giúp cho các bậc làm cha làm mẹ không phải day dứt vì sự thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm của mình".

Các trẻ nhỏ mắc bệnh tan máu bẩm sinh được điều trị tại Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An.

Các trẻ nhỏ mắc bệnh tan máu bẩm sinh được điều trị tại Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An.

"Sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh là điều chính đáng. Và cần thiết phải sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh".Mong rằng với sự chung tay góp sức của các Ban ngành đoàn thể, sự sâu sát và trách nhiệm của cán bộ Y tế - DS từ huyện xuống cơ sở, sự chủ động của mỗi người dân, trong thời gian không xa, chúng ta có thể kiểm soát được nguồn gen bệnh Thalassemia góp phần cải thiện chất lượng sống cho người bệnh và nâng cao chất lượng dân số" – BS Huê nói.

Chủ động xét nghiệm, sàng lọc

Được biết, ở các cơ sở tuyến huyện chỉ cần máy xét nghiệm công thức máu 10 chỉ số là có thể sàng lọc được căn bệnh này khi có 2 chỉ số MCH, MCV thấp. Khi 2 chỉ số này thấp nên thực hiện bước tiếp theo đó là điện di huyết sắc tố để giúp định hướng chẩn đoán: alpha thalassemia hay beta thalassemia. Tiếp đến là xét nghiệm gen Thalassemia để xác định cụ thể người bệnh mang đột biến gen Thalassemia nào. Giải trình tự gen cần thiết cho chẩn đoán trước sinh và tư vấn di truyền.

Bà Thái Thị Tuyết, Trưởng Phòng DS-KHHGĐ (Chi cục DS-KHHGĐ) nói về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh, sau sinh.

Bà Thái Thị Tuyết, Trưởng Phòng DS-KHHGĐ (Chi cục DS-KHHGĐ) nói về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh, sau sinh.

Bà Thái Thị Tuyết, Trưởng Phòng DS-KHHGĐ (Chi cục DS-KHHGĐ) nhấn mạnh, các bạn trẻ ngay cả khi chưa có kế hoạch kết hôn nên đi xét nghiệm gen bệnh tan máu bẩm sinh. Những người trong độ tuổi sinh đẻ và có dự định sinh con nên đi xét nghiệm gen càng sớm càng tốt để chủ động trong việc lựa chọn biện pháp chẩn đoán trước sinh.

Vệc lấy máu và sàng lọc sớm sau sinh cũng vô cùng quan trọng.

Vệc lấy máu và sàng lọc sớm sau sinh cũng vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, việc lấy máu và sàng lọc sớm sau sinh cũng vô cùng quan trọng bởi có những trường hợp gia đình không có tiền sử mắc bệnh vẫn có thể sinh con bị bệnh. Riêng với những huyện miền núi cao, việc sàng lọc và dự phòng là điều quan trọng và quyết định để có thể tránh được bệnh tan máu bẩm sinh ở trẻ, một căn bệnh xuất hiện khá nhiều và gây nguy hiểm lâu dài.

Sau lớp tập huấn này, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục tổ chức thêm một lớp tập huấn tại huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) với hơn 100 học viên là viên chức dân số cấp huyện, xã và cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản.

Xe bồn chở xăng bị lật, bốc cháy ngùn ngụt trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Vũ Đồng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/y-nghia-lop-tap-huan-nham-giam-thieu-benh-thalassmia-tai-nghe-an-172240703093000553.htm