Ý nghĩa Ngày Dân số Thế giới 11/7

Ngày Dân số Thế giới diễn ra vào ngày 11/7 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Đây cũng là dịp để nhân loại tự hào về những thành tựu trong lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ của người dân, góp phần phát triển đất nước.

Tăng cường các hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe cho người dân.

Tăng cường các hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe cho người dân.

Vào năm 1994, tại Cairo, Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, 179 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển (ICPD). Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng chúng ta cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển. Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế - xã hội.

Ngày Dân số Thế giới năm 2024, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) kỷ niệm tròn 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, trên toàn cầu còn nhiều vấn đề chưa được đáp ứng. Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được có liên quan đến thai sản. Điều này tương đương với hơn 290.000 phụ nữ tử vong mỗi năm. Bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đến gần 1/3 phụ nữ trên toàn thế giới. Hiện mới chỉ khoảng 55% phụ nữ có khả năng tự đưa ra quyết định về sức khỏe sinh sản và tình dục của mình. Một nửa dân số thế giới hiện đang sống ở các trung tâm đô thị. Đến năm 2050, con số này sẽ là gần 70%...

Ngày Dân số Thế giới 11/7/2024, Việt Nam lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, trong 30 năm qua, nước ta áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Việt Nam cũng vừa vượt mốc 100 triệu dân. Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 đến nay tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS - KHHGĐ của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ DS - KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015, cuối năm 2023 là 23,9%. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64) tăng từ 53% lên 68,4% (2015) và 2023 chiếm khoảng 67,5%.

Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 73,7 (2023). Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ.

Thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân số thống nhất trên địa bàn tỉnh theo định hướng chung của cả nước, trong đó tác động đến tất cả các lĩnh vực về quy mô dân số, chất lượng dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số và quản lý dân số. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp; sự phối hợp của các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị, xã hội đối với công tác dân số, trong đó đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Hằng năm, Chi cục Dân số tham mưu Sở Y tế, Ban chỉ đạo công tác dân số tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động của BCĐ, Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân số trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát hỗ trợ cấp huyện, xã triển khai các hoạt động theo kế hoạch. Kết quả, hằng năm về số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai hàng năm đều đạt từ 100 - 105,2%.

Duy trì thường xuyên hoạt động tuyên truyền vận động thực hiện chính sách dân số thông qua đội ngũ cán bộ dân số cơ sở, tùy theo từng địa bàn, tiếp tục vận động nhân dân thực hiện "Dừng lại ở 2 con và nuôi dạy con tốt" “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt". Thực hiện được từ 30.000 - 48.000 lượt thăm hộ tư vấn, tuyên truyền tại gia đình. Tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, các buổi ngoại khóa hoặc đưa vào tiết học giáo dục công dân tại các trường THPT ... các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, các biện pháp tránh thai, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và già hóa dân số, chính sách dân số, công tác dân số trong tình hình mới...

Tuyên truyền, cổ động về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên các tuyến phố chính Thành phố.

Tuyên truyền, cổ động về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên các tuyến phố chính Thành phố.

Các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện trên địa bàn triển khai cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn... Năm 2023, có 33,3% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và 22,2% trẻ sinh ra sống được sàng lọc sơ sinh. Tuổi thọ bình quân của dân số đã được cải thiện và tăng nhanh: Từ 70,3 tuổi năm 2016 tăng lên 70,6 tuổi năm 2019 và tăng lên 71,9 năm 2023.

Hiện dân số trung bình toàn tỉnh 524.235 người năm 2016 tăng lên 530.341 người đến năm 2019 và năm 2023 là 547.857 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2016 là 0,74% đến năm 2019 là 0,88%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, năm 2023 là 0,83%. Tổng tỷ suất sinh (số con/phụ nữ): năm 2016 là 2,46, năm 2019 giảm xuống 2,41 và năm 2023 giảm còn 2,32 con/phụ nữ. Hiện Cao Bằng vẫn đang là 1 trong 33 tỉnh thuộc nhóm có mức sinh cao. Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng: Năm 2015 là 109 trẻ trai/100 bé gái sinh sống, đến năm 2019 là 113,1; năm 2023 giảm xuống 112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh sống.

Để công tác DS - KHHGĐ phát triển bền vững, ngành y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp theo Kế hoạch số 190-KH/TU của tỉnh, phấn đạt các mục tiêu đề ra đến năm 2025 và 2030; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác dân số; thực hiện chính sách về dân số. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông giáo dục phù hợp với các nhóm đối tượng. Vận động mọi thanh niên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao trước khi kết hôn thực hiện việc tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh; để mọi trẻ sinh ra đều được tầm soát, chẩn đoán, điều trị sơ sinh. Nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

P.V (T/h)

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/y-nghia-ngay-dan-so-the-gioi-11-7-3170437.html