Ý nghĩa triết học, lịch sử trong bài báo 'Dân vận' của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị

Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của Đảng, của dân tộc ta từ những năm tháng đi tìm đường cứu nước đến khi giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của dân tộc, Người luôn luôn hướng về dân và lấy dân làm gốc của cách mạng. Với tầm nhìn xa, thấy rộng, với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của dân 'quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân', cả cuộc đời Người '… chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành'. Bác đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho dân tộc và phấn đấu không mệt mỏi cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

* LÊ THỊ LAN HƯƠNG, UVTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm, những giai đoạn đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng rất đáng tự hào. Gần 90 năm qua từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, cứ mỗi khi vận mệnh của Tổ quốc, dân tộc trước thời cơ mới cũng như thách thức mới, trong đó có những thách thức tưởng như khó vượt qua, kể cả khi Tổ quốc lâm nguy “ngàn cân treo sợi tóc” thì tinh thần đại nghĩa dân tộc và sức mạnh của toàn dân được nhân lên gấp bội, đoàn kết chiến đấu, vượt qua mọi thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, thống nhất Tổ quốc, giang sơn thu về một mối, lập nên những kì tích mới.

Đại hội lần thứ VII Đảng ta khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”. Đến Đại hội lần thứ XII, nhìn lại 30 năm đổi mới đất nước (1986 - 2016), từ những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, Đảng ta rút ra một trong những bài học kinh nghiệm quý báu đó là: “vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc; đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm dân là gốc”.

Điều đó khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta về chính sách đại đoàn kết dân tộc đã trở thành chân lí, giống như Người ươm mầm cây “đoàn kết” dành sức vun trồng để ngày càng lớn lên và mãi mãi xanh tươi trong lòng dân tộc. Đó là cơ sở tư tưởng Dân vận của Bác, là những lĩnh vực hết sức rộng lớn được Người đề cập qua nhiều tác phẩm khác nhau, trong đó bài báo “Dân vận” là một tài liệu, một tác phẩm rất tiêu biểu, có giá trị to lớn về lí luận và thực tiễn.

Bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây đã 70 năm, đồng hành với cách mạng nước ta qua từng giai đoạn và có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa triết học, ý nghĩa lịch sử của bài báo, tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và có sức sống mãnh liệt của tác phẩm.

Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam chúng ta khẳng định nhiều thời kì đã làm tốt công tác dân vận. Bác đã dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, chính vì “Dân vận khéo” chúng ta mới có sự nghiệp như hôm nay. Trước mỗi bước ngoặt của đất nước, sẽ có những nảy sinh chệch choạc, thậm chí có những sai sót, khuyết điểm, cuối năm 1949 khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta sắp chuyển sang giai đoạn mới, mở đầu bài báo “Dân vận”, Bác đã nhắc nhở: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kĩ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại.”

Những năm qua, trong thời kì đổi mới, trước nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, cái được là cơ bản, là lớn, nhưng cái chưa được cũng dễ thấy, đồng thời cũng là một trong những trăn trở, lo lắng đối với công tác dân vận, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân, ít am hiểu đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; thậm chí còn làm ngược lại quyền lợi của dân, vi phạm quyền làm chủ, gây nên những bức xúc trong nhân dân. Việc xây dựng và triển khai cụ thể hóa thực hiện các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận còn thiếu kịp thời, kém hiệu quả; có lúc chưa dự báo chính xác những diễn biến tư tưởng, tâm trạng trong các tầng lớp nhân dân. Những vấn đề nhân dân còn băn khoăn, lo lắng, bức xúc để cùng nhau tìm ra lời giải đáp: Dân đã thực sự là “gốc” chưa? Vai trò làm chủ của nhân dân đã được phát huy mở rộng trên các lĩnh vực chưa? Các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành làm thế nào để phát huy vai trò đó trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Những điều đó đặt ra những trăn trở, trách nhiệm cho chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được những điều cần phải có trong công tác dân vận của Đảng hiện nay.

Những kết quả quan trọng và hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về công tác dân vận thời gian qua đã được đánh giá, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo đề cập rõ trong Nghị quyết 8B-NQ/TW ngày 27/3/1990 của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng khóa VI “về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”; đến Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của BCH TW Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và nghị quyết đại hội đảng các cấp qua các nhiệm kì, cùng các chủ trương, nghị quyết chuyên đề của Đảng về công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Bác Hồ thăm và nói chuyện với bà con nông dân xã viên hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1954. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Ngày 15/10/1949, trên Báo Sự thật, số 120 đã đăng bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh X.Y.Z). Bài báo ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác dân vận của Đảng phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa trong nhận thức và hành động nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc.

Tác phẩm rất ngắn gọn, sâu sắc với dung lượng gần 600 chữ, được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong súc tích, có tính khái quát cao; kết cấu mạch lạc, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo. Đi vào nội dung bài báo, chúng ta thấy Bác nêu thành 4 phần với bố cục chặt chẽ, cụ thể đó là:

- “Nước ta là một nước dân chủ”. Bác chỉ rõ bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân chính là điểm xuất phát và cái nền của công tác dân vận. Bác không chỉ đề cập đến dân vận của chính quyền nhà nước mà còn đề cập đến Đảng và các đoàn thể đều có bản chất chung là của dân, do dân, vì dân, “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.”

- “Dân vận là gì?” Ở đây hiểu theo khái niệm rộng là Bác quan tâm nhiều đến công tác dân vận để xây dựng lực lượng từ mỗi người dân cho đến toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu của cách mạng qua từng thời kì và đặc biệt là quan tâm đến phương châm cơ bản công tác dân vận. Đi sâu khai thác nội hàm khái niệm dân vận của tư tưởng Hồ Chí Minh ta thấy: Đối tượng công tác dân vận là nhân dân; mục tiêu công tác dân vận là mục tiêu chung của cách mạng; nội dung cơ bản của công tác dân vận là tổ chức lực lượng nhân dân, đoàn kết toàn dân để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng; phương thức công tác dân vận là phải tiến hành trước hết từ cơ sở, nắm chắc và vận động nhân dân từ cơ sở, thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từ Đại hội VI Đảng ta tổng kết, cũng được Bác đề cập dưới một hình thức khác trong tác phẩm này.

- “Ai phụ trách dân vận?”. Bác đặt rõ công tác dân vận không phải của riêng ai, mà của cả hệ thống chính trị, nhưng phải có phân công cụ thể. Chúng ta thấy ở đây, Bác rất quan tâm đến quyền lực tối thượng của nhân dân đến công tác dân vận của chính quyền; thành quả lớn nhất là chúng ta giành được chính quyền và chính quyền đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân; là công cụ của nhân dân để thực hiện các mục tiêu của cách mạng.

- “Dân vận phải như thế nào?”. Bác đã đề cập 6 điểm về phong cách làm dân vận là: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, trong đó “óc nghĩ” được Bác đặt lên hàng đầu chính là muốn nhấn mạnh vai trò, tính tiên phong về mặt trí tuệ của cán bộ trong hoạt động công tác dân vận. Sự vật luôn luôn vận động và phát triển, cán bộ không chỉ ngồi sao chép khuôn mẫu, mà phải không ngừng sáng tạo với tư duy biện chứng, tìm ra quy luật vận động của sự vật để hướng quần chúng nhân dân đi tới. “Mắt trông” tức là phải quan sát sự vật hiện tượng một cách khách quan, không sao chép, ghép nối lại tình hình một cách thụ động; phong cách đó cộng với “tai nghe” cần có thái độ thực sự cầu thị của mỗi cán bộ làm công tác dân vận, không phải chỉ nghe một chiều, nghe điều “thuận” mà phải bình tĩnh nghe cả những điều “nghịch”, lắng nghe ý kiến quần chúng để tự điều chỉnh việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách cho đúng. “Chân đi” tức là phải đi vào thực tiễn, vào nhân dân, đến tận cơ sở, chứ không phải ngồi ở bàn giấy để viết chỉ thị này, công văn kia. “Miệng nói, tay làm” chính là phong cách nhất quán giữa nói và làm; vừa tuyên truyền, vận động, giải thích, vừa thực hành, làm gương để quần chúng noi theo.

Tiếp đó, Bác phê bình: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận”. Bác tập trung phê bình nghiêm khắc những địa phương bố trí cán bộ và cách lãnh đạo công tác dân vận chỉ “cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận.” Bác chỉ ra “Đó là sai lầm rất to, rất có hại.”

Khái quát lại, Bác viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Kết luận đó thực sự là chân lí. Suốt đời, Bác Hồ là tấm gương sáng mẫu mực của người cán bộ làm dân vận; là người đầy tớ của nhân dân để làm người lãnh đạo nhân dân, làm người học trò trong nhân dân.

Suốt đời, Bác sống trong dân, giữa lòng dân và là một công dân kiểu mẫu. Người thấu hiểu và chia sẻ mọi nỗi vui, buồn, tâm tư và kết tinh trí tuệ của dân, bàn bạc với dân và cùng dân thực hiện ước mơ từ bao đời của con người và của dân tộc Việt Nam. Ham muốn tột bậc, suốt đời và mong muốn cuối cùng của Bác là: “….toàn dân ta phấn đấu đoàn kết, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Kỉ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận năm nay đúng vào kỉ niệm 70 năm Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, đây là dịp để tất cả chúng ta suy ngẫm, cùng nghiên cứu về những giá trị, tư tưởng công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=143048