'Ý thức người dân' chưa cao! Có đúng vậy không?

'Ý thức người dân' chưa cao thường được viện dẫn mỗi khi có hành vi lệch chuẩn nơi công cộng. Nhưng liệu đây có phải là nguyên nhân gốc rễ, hay chỉ là chiếc hộp rỗng dùng để đổ lỗi thay vì giải quyết vấn đề tận gốc?

“Ý thức người dân” chưa cao thường được viện dẫn mỗi khi có hành vi lệch chuẩn nơi công cộng. Ảnh: Lê Vũ

“Ý thức người dân” chưa cao thường được viện dẫn mỗi khi có hành vi lệch chuẩn nơi công cộng. Ảnh: Lê Vũ

Mỗi khi xuất hiện các hành vi như rác thải tràn lan trên đường phố, người dân tiểu tiện nơi công cộng, hay nguồn nước ngầm bị khai thác tràn lan, cụm từ “ý thức người dân chưa cao” lập tức được lặp lại như một phản xạ quen thuộc, một câu nói thuận miệng.

Không chỉ là lời phán xét thường nhật, cụm từ này còn trở thành mục tiêu mặc định trong hàng loạt dự án môi trường, xã hội ở nông thôn và cả thành thị. Giở bất kỳ một tài liệu dự án xã hội, môi trường nào ra cũng có thể dễ dàng thấy hoạt động đầu tiên là “nâng cao nhận thức người dân” về cái nọ, cái kia như biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước.

Trong khi ngân sách dành cho tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kể cả các chương trình nhà nước và các dự án phi chính phủ, vẫn đều đặn được chi ra, hành vi lệch chuẩn vẫn tiếp diễn. Câu hỏi đặt ra: liệu việc liên tục đổ lỗi cho “ý thức người dân” có thực sự giúp giải quyết tận gốc các vấn đề môi trường và xã hội?

Ý thức là gì, và có thể nhìn thấy không?

Trong khoa học xã hội, “ý thức” là một hiện tượng tâm lý - là nhận thức, tư duy, quan điểm của một cá nhân về thế giới và bản thân. Nhưng, ý thức là thứ không thể nhìn thấy, không thể đo đếm hay quan sát trực tiếp. Cái mà ta thực sự nhìn thấy mỗi ngày là hành vi biểu hiện ra bên ngoài - là việc con người làm gì, ở đâu, như thế nào.

Vì vậy, khi một người tiểu tiện nơi gốc cây, hay xả rác ngoài đường, điều chúng ta nhìn thấy là hành vi sai. Tuy nhiên, kết luận rằng người đó “thiếu ý thức” lại là một phán xét cảm tính - suy diễn.

Thực tế cho thấy, hành vi con người không đơn thuần xuất phát từ ý thức, mà còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như luật pháp, điều kiện hạ tầng thuận lợi để thực hiện hành vi đúng, thói quen cộng đồng và môi trường sống. Không có nơi đi vệ sinh công cộng thì hành vi tiểu tiện bừa bãi là điều dễ hiểu, bất chấp trình độ hay nhận thức.

Hành vi tốt chưa chắc đến từ ý thức tốt

Một người không xả rác nơi công cộng có thể là người có “ý thức bảo vệ môi trường”, nhưng cũng có thể đơn giản là vì… xung quanh có sẵn thùng rác tiện lợi. Họ cũng có thể sợ bị phạt. Họ làm đúng không vì lý tưởng, mà vì điều kiện xã hội khiến “làm đúng” trở thành lựa chọn dễ dàng, tiện lợi và ít rủi ro nhất.

Ở Singapore, bạn có thể bị phạt hơn 1.000 đô la Sing nếu xả rác, khạc nhổ hay vứt bã kẹo cao su bừa bãi. Luật nghiêm khắc, lực lượng thực thi hiệu quả, và điều kiện hạ tầng công cộng đầy đủ khiến hành vi đúng trở thành một phần thói quen.

Điều đó cho thấy, hành vi đúng không nhất thiết bắt nguồn từ “ý thức cao”, mà từ môi trường xã hội được thiết kế để hướng hành vi theo chuẩn mực.

Dân trí thấp có phải là nguyên nhân?

Một cách đổ lỗi khác, có vẻ “có lý” hơn, sâu hơn, là cho rằng dân trí thấp là gốc rễ của ý thức kém dẫn đến hành vi lệch chuẩn. Nhưng nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy điều này cũng không đứng vững.

Thực tế có không ít người chưa học hết tiểu học, hoặc chưa từng đến trường, nhưng cư xử rất văn minh: không vứt rác bừa bãi, không nói tục, không chen lấn. Ngược lại, không hiếm người có học hàm, học vị cao vẫn vô tư xả rác, vượt đèn đỏ, thậm chí tham nhũng.

Ví dụ có một số người khi ở trong nước có thể xả rác, khạc nhổ nơi công cộng, nhưng khi sang Singapore - nơi luật phạt nghiêm - họ lập tức thay đổi hành vi. Vẫn là con người đó, nhưng hành vi thay đổi chỉ vì môi trường khác. Khi trở về Việt Nam, hành vi cũ lại trở lại. Như vậy, không phải “dân trí” hay “ý thức” bỗng dưng tăng rồi lại giảm, mà là hành vi cũng chịu tác động của môi trường xã hội - nơi mà luật lệ được thực thi nghiêm ngặt và có hệ thống hạ tầng hỗ trợ hành vi đúng.

Bên cạnh đó, dân trí là thứ cần thời gian dài để nâng cao - qua giáo dục, văn hóa, truyền thông - trong khi hành vi xã hội có thể điều chỉnh nhanh hơn nếu có hệ thống kiểm soát hành vi hiệu quả: luật rõ ràng, xử phạt nghiêm minh, phương tiện công cộng sẵn có và thiết kế đô thị thuận tiện.

Không có điều kiện, hành vi đúng khó xảy ra

Hãy tưởng tượng một người đang ở giữa trung tâm thành phố, cần đi vệ sinh gấp nhưng quanh đó không có nhà vệ sinh công cộng nào. Sau khi cố gắng tìm kiếm trong vô vọng, anh ta chọn gốc cây gần nhất để “giải quyết”. Khi ấy, hành vi xấu không đến từ nhận thức kém, mà từ sự thiếu lựa chọn. Đó là một phản ứng sinh tồn trong một không gian đô thị chưa được thiết kế đầy đủ cho nhu cầu cơ bản nhất của con người.

Tương tự, ở nhiều khu vực nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, người dân vẫn khai thác nước ngầm để sinh hoạt vì sông ngòi bị cống đập ngăn mặn khắp nơi gây tù đọng ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu người dân không có được nguồn nước sạch thay thế, việc nâng cao nhận thức kêu gọi ngưng khai thác nước ngầm để giảm sụt lún cho đồng bằng không khả thi. Trong những trường hợp như vậy, thật khó để nói người dân “thiếu ý thức” hay “dân trí thấp”.

Khi “thiếu ý thức” trở thành bình phong

Việc quy mọi lỗi lầm cho “ý thức người dân” hay “trình độ dân trí thấp” thường là một cách đổ lỗi dễ dàng nhưng nguy hiểm. Bởi nó có thể khiến những người có trách nhiệm về hạ tầng, về hệ thống pháp luật, về quy hoạch - thoát khỏi trách nhiệm. Nó cũng biến việc đầu tư cải thiện điều kiện sống, xây dựng nhà vệ sinh, hệ thống rác thải hay cung cấp nước sạch - thành những việc thứ yếu.

Trên thực tế, ở nhiều nơi, hành vi sai lệch không phải do cá nhân cố tình sai, mà vì xã hội chưa tạo điều kiện cho họ làm đúng. Khi không thể “làm đúng” một cách dễ dàng, người ta buộc phải chọn cái sai như một giải pháp tình thế. Càng nghèo, càng yếu thế, họ càng dễ trở thành nạn nhân của “chiếc hộp đổ lỗi mang tên ý thức và dân trí thấp”.

Khẩu hiệu không thay thế được điều kiện

Chúng ta đã quá quen với các khẩu hiệu như: “Hãy chung tay bảo vệ môi trường”, “Mỗi người một hành động vì thành phố sạch đẹp”. Nhưng những khẩu hiệu này thường không đi kèm với chỉ dẫn cụ thể, và những phương tiện tạo điều kiện cho hành vi đúng.

Một cách tiếp cận thực tế hơn

Trong khi việc nâng cao nhận thức vẫn là cần thiết, nhưng nếu chỉ làm mỗi việc đó thì chưa thể thay đổi hành vi được. Thay vì tiếp tục đổ lỗi cho người dân “thiếu ý thức”, điều cần làm là xây dựng một xã hội trong đó hành vi đúng được, như (i). Hỗ trợ bằng điều kiện để thực hiện hành vi đúng (thùng rác, nhà vệ sinh, nước sạch…); (ii). Duy trì bằng pháp luật (xử phạt rõ ràng, có giám sát); (iii). Củng cố bằng thông tin, giáo dục và truyền thông.

Thực tế cho thấy muốn thay đổi hành vi, phải thay đổi điều kiện. Nếu làm đúng đòi hỏi cố gắng vượt quá khả năng, thì người ta chọn cái sai. Ngược lại, nếu hành vi đúng trở nên dễ thực hiện hơn hành vi sai, người ta sẽ làm đúng.

Khi đó, hành vi đúng trở thành thói quen, và ý thức - nếu có - sẽ dần hình thành từ trải nghiệm sống hàng ngày. Chúng ta không thể rao giảng về văn minh đô thị trong một thành phố không có nhà vệ sinh công cộng và nơi đổ rác hợp lý. Không thể nói về sụt lún đồng bằng do khai thác nước ngầm quá mức với người dân không có nguồn nước sạch nào khác ngoài nước ngầm.

Một số người dân ở nông thôn cho biết: “Chúng tôi hay được nhiều dự án tới mời họp nâng cao nhận thức cái này cái kia miết. Họ làm như chúng tôi không biết gì hết, nhưng họ không biết là chúng tôi không làm được chứ không phải do không có nhận thức”.

Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng có những trường hợp hành vi sai không thể đổ cho hoàn cảnh. Khi một người đã được cung cấp đầy đủ thông tin, có thùng rác ngay bên cạnh, có biển cảnh báo rõ ràng, có lựa chọn hành vi đúng tiện lợi, nhưng vẫn cố tình vứt rác bừa bãi, tiểu tiện không đúng nơi quy định hay vi phạm luật giao thông, thì việc nhấn mạnh yếu tố “thiếu ý thức” là hợp lý. Trách nhiệm cá nhân, lúc này, không thể bị xóa nhòa. Và cũng chính vì vậy, bên cạnh giáo dục và có phương tiện đủ để thực hiện hành vi tốt, cần có cơ chế giám sát, xử phạt nghiêm minh để điều chỉnh các hành vi cố ý lệch chuẩn.

Kết luận

Đừng vội thuận miệng mà phán xét người dân “thiếu ý thức” khi hành vi xấu xảy ra. Thay vào đó, hãy hỏi liệu họ có lựa chọn nào khác không?

Trong khi nâng cao nhận thức vẫn là cần thiết, nhưng nếu muốn thay đổi hành vi xã hội theo hướng tích cực, điều quan trọng không nằm ở việc nâng cao nhận thức, mà ở cấu trúc xã hội khiến việc làm đúng trở nên dễ dàng, hợp lý, thuận tiện và ít rủi ro hơn làm sai.

Khi đó, có thể không cần ai “nâng cao ý thức” hoặc chỉ cần nhắc nhẹ, người dân cũng sẽ cư xử văn minh - vì đơn giản, xã hội được thiết kế để điều đó xảy ra.

Nguyễn Hữu Thiện

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/y-thuc-nguoi-dan-chua-cao-co-dung-vay-khong/