Yên Bái phát triển mạnh nguồn lợi thủy sản

Cùng vói gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản cũng là một mũi nhọn của ngành chăn nuôi tỉnh Yên Bái với những bước tiến lớn cả về quy mô, năng suất và sản lượng. Khai thác được lợi thế diện tích mặt nước lớn, nhiều mô hình, giống cá giá trị cao được đưa vào nuôi trồng.

Bà Nguyễn Thị Nhân, thôn 1, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình bổ sung thêm con giống cá cho diện tích ao của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Nhân, thôn 1, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình bổ sung thêm con giống cá cho diện tích ao của gia đình.

Năm 2006, anh Mai Văn Tình ở thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên bắt tay vào sử dụng diện tích đất ruộng kém hiệu quả của gia đình để đào ao thả cá với diện tích trên 4 sào mặt nước, chủ yếu thả nuôi cá rô phi đơn tính, cá chép, cá trắm cỏ… Bên cạnh đó, anh còn quy hoạch xây dựng hệ thống 6 bể với tổng diện tích gần 1.000m2 để nuôi ba ba gai. Để nắm vững kỹ thuật trong nuôi cá và ba ba, ngoài kiến thức đã được học, anh Tình tự mày mò, tìm hiểu trên các trang mạng, học hỏi thêm kinh nghiệm của những hộ nuôi lâu năm. Anh còn trực tiếp liên hệ mua cá giống tại Trại Giống thủy sản Yên Bình và mua ba ba gai giống tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, nơi có cả một làng nuôi giống thủy đặc sản này nhiều năm.

Nhờ có nguồn con giống tốt và kỹ thuật chăn nuôi, đàn cá và baba gai của gia đình anh Tình phát triển tốt. Chỉ tính riêng năm 2023, gia đình anh thu được gần 300 triệu đồng từ bán ba ba gai thương phẩm, ba ba giống và cá các loại. Anh Tình chia sẻ: "Từ diện tích ruộng kém hiệu quả, gia đình tôi cải tạo dần thành ao nuôi cá và nuôi baba. Có kỹ thuật, chăn nuôi thủy sản của gia đình không quá khó mà mang thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa”.

Có nhiều diện tích hồ, đầm, để hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản, ngay từ đầu năm, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân chuẩn bị các điều kiện về ao, con giống, thức ăn và công tác phòng, chống rét, bệnh cá để đảm bảo diện tích nuôi thủy sản năm 2024 đạt 490 ha, 79 lồng nuôi theo kế hoạch, phấn đấu sản lượng nuôi trồng và khai thác trên 437 tấn.

Là địa phương có diện tích mặt nước lớn nhất toàn tỉnh, huyện Yên Bình đã phát huy lợi thế trên 19 nghìn ha mặt nước hồ Thác Bà tập trung chỉ đạo phát triển thủy sản, tích cực mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn. Đến nay, toàn huyện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác và trên 300 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi cá quây lưới với khoảng 2.000 lồng nuôi cá trên diện tích 230 ha mặt nước. Các loại cá chủ yếu được nuôi là lăng, diêu hồng, rô phi, ngạnh, cá bò, cá mè... Tổng sản lượng thủy sản toàn huyện hàng năm đạt 8.500 tấn.

Trong đó, Hợp tác xã thủy sản Hoàng Kim là đơn vị có số lượng cá lồng lớn nhất trên địa bàn với 300 lồng, mỗi năm cho thu khoảng 700 tấn cá. Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà liên kết với HTX Thủy sản Hoàng Kim duy trì nuôi cá lăng, tầm, diêu hồng trong môi trường nước sạch, áp dụng các quy trình nuôi an toàn, quản lý chặt chẽ để sản xuất các sản phẩm sạch từ cá như: xúc xích cá, chả cá, giò cá, xúc xích cá, ruốc cá... trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Công ty cổ phần Nghiên cứu và ứng dụng dịch vụ khoa học T&T có quy mô trên 100 lồng nuôi cá các loại, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Yên Bình dự kiến đến năm 2025, diện tích nuôi trồng, khai thác khoảng 800 ha; phát triển ổn định 2.500 lồng cá; sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt trên 9.200 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 8.000 tấn; sản lượng khai thác tự nhiên đạt 1.200 tấn. Để làm được điều đó, từ nguồn xã hội hóa, ngay từ đầu năm, Yên Bình đã thả trên 1,5 tấn cá giống xuống hồ Thác Bà.

"Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục khai thác tối đa diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp từng địa bàn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm” - bà Đào Thị Thanh Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho hay.

Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND tỉnh có những chính sách quan tâm đến nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, Chi cục đã tích cực bám sát cơ sở, nắm chắc phong trào nuôi thủy sản ở từng địa phương và kiểm soát tình hình dịch bệnh giúp người dân phát triển kinh tế, chú trọng các loại cá đặc sản như: ba ba gai, cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi. Hiện diện tích ba ba toàn tỉnh chiếm khoảng 16,4ha, sản lượng khoảng 80 tấn/năm; diện tích cá hồi, cá tầm khoảng 10,5 ha, năng suất đạt 150 tấn/năm. Diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng, khai thác trên 22.390 ha, 2.645 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và khai thác ước đạt 13.751 tấn, giá trị khoảng 370 tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Đại - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: "Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường quản lý cơ sở sản xuất cá giống theo các điều kiện sản xuất đảm bảo quy trình, có nguồn gốc xuất xứ theo quy định; đảm bảo 100% giống đưa vào sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.

Bên cạnh đó, tận dụng nguồn nước và khí hậu phù hợp để phát triển diện tích nuôi các loài cá nước lạnh các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên; mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cá nước lạnh tại tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư, phát triển sản xuất thức ăn thủy sản phù hợp từng đối tượng nuôi, hình thức nuôi; tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giảm giá thành, phấn đấu đến năm 2030 sản lượng đạt 16 đến 20 tấn/năm, giá trị đạt 550 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/320525/yen-bai-phat-trien-manh-nguon-loi-thuy-san-.aspx