Yên Bái và Lào Cai trở thành khu vực dự trữ quốc gia về đất hiếm

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trong đó Lào Cai và Yên Bái là khu vực dự trữ khoáng sản đất hiếm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo đó, phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản. Ngoài đất hiếm, khoáng sản than á bitum sẽ được dự trữ tại đồng bằng sông Hồng, cụ thể là tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Than antraxit được dự trữ tại Uông Bí, Quảng Yên, TP Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt, khoáng sản đất hiếm sẽ được dự trữ tại 02 khu vực: Huyện Bảo Yên, Văn Bàn của tỉnh Lào Cai và huyện Văn Yên của tỉnhYên Bái.

Khoáng sản đất hiếm sau khi chiết xuất sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghệ cao (Ảnh minh họa)

Khoáng sản đất hiếm sau khi chiết xuất sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghệ cao (Ảnh minh họa)

Quặng apatit sẽ được dự trữ tại các huyện Bảo Thắng, Bát Xát và TP Lào Cai của tỉnh Lào Cai. Quặng chì - kẽm được dự trữ tại khu vực Na Hang của tỉnh Tuyên Quang. Quặng cromit sẽ được dự trữ tại các huyện Như Thanh, Nông Cống và Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Khoáng sản titan sẽ được dự trữ tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, thành phố Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận, huyện Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận.

Các loại quặng bauxit sẽ được dự trữ ở nhiều nơi thuộc khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ và Nam Trung bộ như Gia Lai, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông. Quặng sắt cũng được dự trữ tại khu vực Tây Nguyên.

Khoáng sản đá hoa trắng được dự trữ tại Tuyên Quang và nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa. Cát trắng được dự trữ nhiều tại các tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Với quyết định này, các giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước ngày 1/11/2023 mà không thuộc khoáng sản dự trữ nêu trên thì tiếp tục thực hiện theo nội dung giấy phép đã cấp và quy định của pháp luật về khoáng sản.

Các khu vực có khoáng sản không thuộc loại khoáng sản dự trữ đã được đưa vào quy hoạch khoáng sản liên quan mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác hoặc chưa đưa vào quy hoạch khoáng sản có liên quan thì được quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản nhưng không được ảnh hưởng đến khoáng sản đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Hiện Lào Cai và Lai Châu là các tỉnh có trữ lượng đất hiếm lớn nhất cả nước; loại khoáng sản này giữ vai trò chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật công nghệ cao của thế giới. Tại Lào Cai, giai đoạn đến năm 2030 sẽ thực hiện thăm dò nâng cấp, thăm dò mở rộng các mỏ Mường Hum, huyện Bát Xát và khu Tân An, huyện Văn Bàn với mục tiêu trữ lượng gần 231 nghìn tấn; dự kiến đầu tư mới 03 dự án khai thác mỏ tại thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, huyện Văn Bàn. Giai đoạn năm 2031 - 2050, đầu tư mới dự án khai thác nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Còn tại Yên Bái, trữ lượng khoáng sản đất hiếm theo báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt tại Quyết định số 772, ngày 29 tháng 12 năm 2010 thì trữ lượng địa chất 2.219.427 tấn đất quặng (tương ứng 27.681 tấn tổng oxit đất hiếm TR2O3; 295.792 tấn tinh quặng sắt 60% Fe).

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/yen-bai-va-lao-cai-tro-thanh-khu-vuc-du-tru-quoc-gia-ve-dat-hiem-283536.html