Yên Dũng: Quá tải giải quyết hồ sơ hành chính về đất đai

Cho rằng khi sáp nhập về TP Bắc Giang, việc tách thửa, thực hiện các quyền sử dụng đất sẽ khó khăn hơn nên thời gian gần đây, người dân đến bộ phận một cửa các xã, thị trấn và UBND huyện Yên Dũng làm thủ tục này rất đông, gây quá tải.

Lượng hồ sơ tăng đột biến

Sáng 18/6, tại bộ phận một cửa huyện Yên Dũng có rất đông người dân đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai. Khu vực phòng chờ rộng hơn 10 m2 nhưng có đến vài chục công dân chờ đến lượt mình. Bà Vũ Thị Mưa, tổ dân phố Phương Sơn, thị trấn Nham Biền có mặt tại đây cho biết: “Nghe nói khi sáp nhập huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang, thủ tục tách thửa sẽ khó khăn, phức tạp nên vợ chồng tôi vội vàng đi làm thủ tục tách thửa chia đất cho con. Dịp này, nhiều người làm quá, tôi chờ mãi mà chưa đến lượt”. Cán bộ tiếp nhận, trả hồ sơ tại bộ phận một cửa của huyện tập trung làm việc cao độ, đến khoảng 11 giờ 30 phút đã giải quyết xong hồ sơ của hơn 50 trường hợp nhưng vẫn còn gần chục công dân ngồi đợi. Để công dân không phải đi lại nhiều, họ nán lại để giải quyết thêm một số hồ sơ.

Bộ phận một cửa huyện Yên Dũng sáng ngày 18/6 có rất đông công dân đến làm thủ tục hành chính.

Bộ phận một cửa huyện Yên Dũng sáng ngày 18/6 có rất đông công dân đến làm thủ tục hành chính.

Tình trạng nhiều người dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Dũng đi làm thủ tục về đất đai, chủ yếu là tách thửa, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã diễn ra từ hơn một năm nay nhưng nóng nhất là mấy tháng gần đây.

Nếu trước đây, mỗi năm Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Yên Dũng tiếp nhận giải quyết 3-4 nghìn hồ sơ thì nay số lượng tăng gấp 2, 3 lần; tăng cao nhất vẫn là hồ sơ đề nghị tách thửa đất để chuyển quyền (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…) và cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ. Tính đến hết tháng 5, đơn vị đã tiếp nhận giải quyết hơn 7,1 nghìn hồ sơ, trong đó có hơn 600 hồ sơ tách thửa, gần 830 hồ sơ đề nghị đo đạc cấp đổi...

Theo ông Vũ Văn Tiến, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) huyện Yên Dũng, nếu trước đây, mỗi năm đơn vị tiếp nhận giải quyết 3-4 nghìn hồ sơ thì nay số lượng tăng gấp 2, 3 lần; tăng cao nhất vẫn là hồ sơ đề nghị tách thửa đất để chuyển quyền (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…) và cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ. Tính đến hết tháng 5, đơn vị đã tiếp nhận giải quyết hơn 7,1 nghìn hồ sơ, trong đó có hơn 600 hồ sơ tách thửa, gần 830 hồ sơ đề nghị đo đạc cấp đổi... Để đáp ứng nhu cầu của người SDĐ, Chi nhánh đã huy động toàn bộ viên chức, người lao động (ngoài ra còn được Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh tăng cường thêm 3 cán bộ) nhưng việc giải quyết vẫn quá tải. Hầu hết cán bộ của đơn vị đều phải làm thêm giờ, thứ Bảy, Chủ nhật; có những bộ phận nhiều tháng nay không nghỉ cuối tuần.

Nguyên nhân lượng hồ sơ về đất đai tăng đột biến chủ yếu vẫn do người SDĐ có tâm lý lo lắng khi huyện Yên Dũng sáp nhập với TP Bắc Giang, việc tách thửa, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ sẽ khó khăn, chặt chẽ hơn.

Lượng hồ sơ về đất đai tăng, đội ngũ cán bộ chuyên môn cấp xã cũng chịu nhiều áp lực. Chị Nguyễn Thị Lưu, cán bộ địa chính xã Hương Gián cho hay: “Thời điểm này, nhiều công dân đến bộ phận một cửa xã hỏi, nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, tách thửa, chuyển nhượng QSDĐ. Khi việc giải quyết không được nhanh chóng, một số người bức xúc”. Đáng lo lắng, do nhu cầu làm thủ tục về đất đai của người dân lớn nên đã xuất hiện hiện tượng “cò” nhận làm dịch vụ đất đai.

Người dân cần hiểu đúng, không nên vội vàng

Theo ông Hoàng Hải Lâm, Phó Giám đốc Phụ trách Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, hiện nay trình tự, thủ tục tách, hợp thửa đất, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ... đã được pháp luật quy định rất rõ ràng. Đơn cử như về trình tự, thủ tục tách thửa đất, được thực hiện theo quy định tại Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai) và khoản 3 Điều 3 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai).

Về điều kiện tách thửa đất, được quy định tại Điều 5 Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND và được sửa đổi bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 44/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang... Đây là những quy định chung, áp dụng thống nhất trên địa bàn các huyện, thị xã, TP của tỉnh. Luật Đất đai 2024 (sắp có hiệu lực) cũng không có quy định khác về nội dung này so với Luật cũ. Do vậy, khi huyện Yên Dũng sáp nhập với TP Bắc Giang, chủ SDĐ có nhu cầu tách, hợp thửa đất hoặc cấp đổi giấy chứng nhận vẫn được xem xét giải quyết bình thường như giai đoạn hiện nay, không khó khăn hơn như một số người dân đang nghĩ. Vì thế, người dân nên bình tĩnh, cân nhắc, tìm hiểu rõ quy định. Nếu chưa thật cần thiết, không nên vội vàng làm TTHC về đất đai thời điểm này, để tránh gây áp lực cho mình cũng như cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên, riêng trường hợp có đất sử dụng hợp pháp, ổn định lâu dài trước ngày 15/10/1993 và trước 1/7/2004, phù hợp quy hoạch đất ở, không có tranh chấp, được UBND cấp xã xác nhận đủ điều kiện về cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định pháp luật... thì nên làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận trước khi sáp nhập với TP. Vì hạn mức đất ở được cấp lần đầu ở khu vực nông thôn lớn hơn khu vực đô thị, có lợi cho người SDĐ. Các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận ở huyện, khi sáp nhập về TP, hạn mức SDĐ không bị thay đổi.

Theo ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, để ngăn ngừa vi phạm, tiêu cực, bảo đảm giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai được minh bạch, đúng quy định, thời gian qua, huyện đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo, chấn chỉnh công tác này. Gần đây nhất, ngày 12/6, Chủ tịch UBND huyện đã có công văn chấn chỉnh công tác giải quyết TTHC về đất đai, quản lý đất đai trên địa bàn.

Theo đó, yêu cầu chủ tịch UBND cấp xã; các phòng, đơn vị chuyên môn tiếp tục tăng cường kỷ cương, trách nhiệm, tập trung thực hiện tốt các phần việc của mình, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục, quyền và nghĩa vụ về SDĐ. Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt để nhân dân hiểu và thực hiện đúng các quy định...

Ông Thưởng nêu rõ: “Người dân đến nộp hồ sơ đăng ký đất đai, khi thực hiện TTHC không phải nộp bất kỳ khoản kinh phí nào ngoài khoản Nhà nước quy định (như thuế, phí, lệ phí). Nếu cán bộ có yêu cầu nộp tiền ngoài các khoản phải nộp theo quy định thì phản ánh đến số điện thoại 0914316868. Số điện thoại này được dán công khai tại bộ phận một cửa huyện và xã".

Thùy Ninh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/yen-dung-qua-tai-giai-quyet-ho-so-hanh-chinh-ve-dat-dai-073458.bbg