Yên Sơn phát triển cây chủ lực

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Yên Sơn đã xác định được cây trồng chủ lực gồm rừng trồng, bưởi và chè để đầu tư phát triển theo hướng thâm canh và gắn với công nghiệp chế biến.

Sau thời gian dài trồng sắn không hiệu quả, nhiều hộ dân xã Phú Thịnh đã chuyển hẳn sang trồng rừng nguyên liệu. Ông Hoàng Xuân Sính, thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh khoe, gia đình ông vừa khai thác 3 ha rừng 10 năm tuổi thu về 500 triệu đồng. Đây là chu kỳ thứ 2 gia đình ông Sính có thu nhập lớn từ rừng trồng. Theo ông Sính diện tích này trước đây trồng sắn, năm 2004 giá sắn bấp bênh nên gia đình chuyển sang trồng mỡ.

Năm 2009 thu hoạch lứa rừng đầu tiên so với trồng sắn giá trị kinh tế cao hơn 30%, lại tốn ít nhân công, thị trường tiêu thụ thuận lợi, gỗ rừng càng lớn giá trị kinh tế càng cao nên ông Sính rất yên tâm tái đầu tư. Hiện nay gia đình ông Sính là một trong những hộ có nhiều rừng nhất thôn Trung Thành với 7 ha, trong đó 3 ha đã khai thác chuẩn bị trồng rừng chu kỳ 3. Theo ông Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, trồng rừng đang là hướng phát triển kinh tế chính của người dân trong xã với trên 600 hộ đầu tư trồng rừng nguyên liệu, chiếm trên 90% số hộ trên địa bàn.

Không những ở Phú Thịnh, tại các xã Đạo Viện, Trung Sơn, Công Đa, Kim Quan, Tiến Bộ… những nương ngô, nương sắn trước đây giờ đã được phủ xanh của keo, bồ đề, mỡ. Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm có trên 3.000 ha rừng được trồng mới, điều này cho thấy rừng đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Diện tích chè mới được cải tạo của người dân thôn 5, xã Nhữ Khê.

Diện tích chè mới được cải tạo của người dân thôn 5, xã Nhữ Khê.

Cũng giống như rừng trồng, cây bưởi đang làm “ngọt” nhiều vùng đất dốc Phúc Ninh, Xuân Vân, Trung Trực, Lực Hành... Bà Khúc Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh khẳng định, cây bưởi đang là cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao nhất, bình quân 1 ha bưởi cho thu khoảng trên 100 triệu đồng, mỗi năm người dân trong xã thu khoảng 160 - 170 tỷ đồng tiền bưởi.

Hiệu quả kinh tế cao nên diện tích bưởi có chiều hướng gia tăng nhanh, trong đó nhiều nhất là Phúc Ninh với trên 960 ha; Xuân Vân trên 600 ha; Lực Hành trên 500 ha… Mở rộng diện tích, các nhà vườn trồng bưởi Yên Sơn bước đầu chuyển hướng trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tạo ra sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh riêng. Ngoài 2 nhãn hiệu bưởi ngọt Soi Hà, bưởi Phúc Ninh huyện Yên Sơn có thêm 2 nhãn hiệu bưởi VietGAP Lực Hành và bưởi chuyển đổi hữu cơ Phúc Ninh giá cao hơn 20 - 30% so với bưởi trồng đại trà.

Thực hiện các dự án cải tạo vườn chè và liên doanh, liên kết trong sản xuất và chế biến chuỗi sản phẩm, cây chè Yên Sơn đã dần lấy lại được vị trí chủ lực trong cơ cấu ngành hàng nông nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, người dân và doanh nghiệp làm chè trên địa bàn huyện đã cải tạo được trên 400 ha chè; những vườn chè trung du già cỗi năng suất thấp dần nhường chỗ cho những vườn chè đặc sản, chè lai năng suất chất lượng cao đảm bảo các tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào phục vụ trong chế biến hàng xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, huyện đã hình thành được vùng trồng cây chủ lực tương đối tập trung chuyên canh cao với trên 65.300 ha rừng; trên 5.000 ha bưởi và gần 3.000 ha chè. Để phát triển cây chủ lực theo chiều sâu, huyện đang thực hiện rà soát và quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với cây gỗ nguyên liệu, chè và bưởi; có chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, tổ chức, liên kết sản xuất theo tổ nhóm, HTX về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ cho nông dân; mở rộng diện tích rừng theo tiêu chuẩn FSC; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/yen-son-phat-trien-cay-chu-luc-129286.html