YFQ‑42A mở ra kỷ nguyên UAV chiến đấu mới

General Atomics tuyên bố sản xuất UAV chiến đấu YFQ‑42A ngay tại Đức, thúc đẩy hợp tác với các lực lượng quốc phòng châu Âu.

UAV chiến đấu YFQ-42A. Ảnh: General Atomics

UAV chiến đấu YFQ-42A. Ảnh: General Atomics

Mẫu UAV này dựa trên YFQ-42A, được phát triển cho Không quân Mỹ và hiện đang trải qua giai đoạn thử nghiệm mặt đất. Chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra vào cuối mùa hè năm nay.

Tại châu Âu, đơn vị General Atomics Aerotec Systems GmbH (GA-ATS) sẽ đảm nhận việc sản xuất. Bộ phận hàng không vũ trụ của công ty này đặt trụ sở tại Oberpfaffenhofen, gần thành phố Munich.

Ông Linden Blue, Giám đốc điều hành GA-ASI, cho biết: “Chúng tôi mong muốn kết hợp chuyên môn về hệ thống UAV của mình với chuyên môn về cảm biến trên không và hệ thống vũ khí của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, bắt đầu với công ty liên kết GA Aerotec Systems GmbH tại Đức.”

Lần ra mắt công khai và sự cạnh tranh từ YFQ-44A

YFQ-42A lần đầu được công bố công khai tháng 5/2025, khi Tướng David Allvin, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, công bố một bức ảnh nguyên mẫu.

Ông Allvin lần đầu đề cập đến tên UAV này trong một bài phát biểu tại Hội nghị AFA Warfare Symposium ngày 3/3, đồng thời tiết lộ sự tồn tại của 2 nguyên mẫu: YFQ-42A của General Atomics và YFQ-44A của Anduril.

Anduril cũng đang nhắm đến thị trường châu Âu với YFQ-44A. Tháng 6 vừa qua, Rheinmetall và Anduril công bố hợp tác phát triển tên lửa hành trình, UAV và động cơ tên lửa nhiên liệu rắn cho châu Âu.

Sự hợp tác này bao gồm dòng tên lửa hành trình Barracuda và UAV chiến đấu phản lực YFQ-44, sẽ được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu quốc phòng châu Âu.

 Hình ảnh minh họa chương trình CCA với F-35

Hình ảnh minh họa chương trình CCA với F-35

Chương trình CCA và kế hoạch dài hạn của Mỹ

Cả YFQ-42A và YFQ-44A đều đang được phát triển trong khuôn khổ chương trình Collaborative Combat Aircraft (CCA) của Không quân Mỹ. Những UAV này được thiết kế để bay cùng tiêm kích có người lái như F-35, đóng vai trò đồng đội tự động.

Mỹ dự kiến mua từ 100 đến 150 UAV trong giai đoạn đầu của chương trình, với mục tiêu dài hạn ít nhất 1.000 chiếc. Những chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trước cuối thập kỷ này.

Mỗi bộ điều khiển UAV ước tính có giá khoảng 2,15 tỷ đồng (tương đương 86.000 USD).

Theo Militarnyi

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/yfq42a-mo-ra-ky-nguyen-uav-chien-dau-moi-post740733.html