Cơ hội quảng bá tiềm năng du lịch và sản phẩm địa phương

Là sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc, mang đậm thương hiệu của huyện miền núi Nho Quan, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện năm 2024 được tổ chức vào đầu tháng 3 vừa qua đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách về dự hội. Đây là cơ hội để Nho Quan đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch cũng như các sản phẩm nông sản địa phương.

Người Mường xã Thạch Bình lưu giữ những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc.

Người Mường xã Thạch Bình lưu giữ những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc.

Diễn ra tại Sân vận động xã Cúc Phương nên trong những ngày diễn ra Ngày hội, dọc tuyến đường đến xã vùng cao nô nức người-xe. Đây là cơ hội để Cúc Phương và các địa phương trong huyện đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các gian hàng, sản phẩm cũng như tiềm năng du lịch tới du khách gần xa.

Ông Đinh Văn Xuân, Chù tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Xã Cúc Phương có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phong phú, đa dạng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu nghỉ dưỡng Resort Vedana, Cúc Phương Resort, các homestay của người dân thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Những địa điểm này đã và đang thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng… Để phát huy giá trị nguồn tài nguyên du lịch, xã xác định phải làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch.

Xã Cúc Phương hiện có 916 hộ, với trên 3.500 nhân khẩu, trong đó 86% dân số là người dân tộc Mường. Đồng bào dân tộc nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Mường. Trong những năm qua, xã Cúc Phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, có các giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ phát triển du lịch.

Với nhiều nỗ lực, đến nay tại xã Cúc Phương có trên 85% người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng; hơn 95% hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày; 10/10 thôn của xã Cúc Phương có đội văn nghệ.

Từ hoạt động luyện tập, biểu diễn của các đội văn nghệ, các loại hình dân ca, dân vũ của người dân tộc Mường như: hát giao duyên, rằng xường, bọ mẹng, Mo Mường… được duy trì và phát huy, được biểu diễn tại các lễ hội, phục vụ nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu văn hóa dân tộc Mường của du khách.

Huyện Nho Quan là nơi hội tụ của 28 dân tộc anh em với số dân trên 174 nghìn người, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm 17%. Nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã lưu truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong đó, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị như: các lễ hội, nghề thủ công truyền thống, các món ăn ẩm thực, các loại hình diễn xướng như: hát chèo, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa, cồng chiêng và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường được bảo tồn, giữ gìn và phát triển.

Để những nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn không bị mai một theo thời gian, bên cạnh việc phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn quan tâm làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Các công trình di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm đầu tư, tôn tạo; các lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa được duy trì tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Nho Quan đã tổ chức phục dựng, bảo tồn nghi lễ truyền thống như: Lễ khai hạ, mừng cơm mới, đám cưới Mường, Mo Mường, Xuất bản cuốn sách ảnh song ngữ về Bản sắc văn hóa truyền thống của người Mường huyện Nho Quan. Việc truyền dạy, sáng tạo các nghề truyền thống được quan tâm thực hiện, qua đó đã từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Cùng với các giá trị văn hóa độc đáo, Nho Quan còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, động Vân Trình, hang Bụt - động Thiên Hà, hồ Đồng Chương, suối nước khoáng Cúc Phương, núi non và hệ thống các hang động, sông hồ kỳ vĩ nên thơ gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống luôn được bảo tồn và phát triển.

Những lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa lịch sử là tiền đề quan trọng để Nho Quan hình thành và phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao nổi tiếng như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Cúc Phương, khu du lịch sinh thái cao cấp Vedana, sân Golf Tràng An, khu du lịch tâm linh phủ Đồi Ngang...

Sản phẩm mật ong của xã Xích Thổ được trưng bày tại Ngày hội.

Đồng thời, các nghề thủ công truyền thống cũng được huyện quan tâm đầu tư, có nhiều giải pháp giúp các địa phương, doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo, có giá trị cao như: Gốm Gia Thủy, Mộc Quỳnh Phong.., các sản phẩm OCOP, các mặt hàng nông sản như: Mật ong, Nhung hươu Cúc Phương, Trà hoa vàng, Cao đinh lăng, sâm Cúc Phương, khoai sọ Yên Quang… được giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại rộng rãi ở cả thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Tham dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan, cùng với việc chuẩn bị các điều kiện để tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, xã Thạch Bình còn trưng bày các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương như: sắn, bí ngô, bưởi…Trong đó, sản phẩm OCOP trà túi lọc dây thìa canh, trà giảo cổ lam là những sản phẩm OCOP của xã được công nhận 3 sao được du khách yêu thích, tìm mua nhiều.

Tham gia lễ hội, các sản phẩm nông sản địa phương có cơ hội được nhiều người biết đến, rất thuận lợi để sản phẩm tiếp cận gần hơn với khách hàng mà không phải mất nhiều kinh phí để quảng bá, giới thiệu. Đồng thời, tạo điều kiện để nhân dân có cơ hội giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương, từ đó tăng thêm thu nhập cho nhân dân.

Tại Ngày hội vừa qua, huyện Nho Quan đã tổ chức thành công phiên chợ quê với nhiều sản phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Các gian hàng với những món ăn dân tộc đặc trưng của các địa phương trong huyện đã được đông đảo du khách thưởng thức và đánh giá cao như: thịt nai, thịt dê, bánh dày của Kỳ Phú; nem chua Quảng Lạc, Kỳ Phú; thịt nướng, thắng cố Cúc Phương.

Nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương được du khách quan tâm và mua với số lượng lớn như: Khoai lang Hoàng Long, khoai sọ của xã Yên Quang; Bí đỏ, mít của cụm xã Phú Sơn; ổi của xã Đồng Phong; nấm Đông trùng hạ thảo của xã Thạch Bình; Nếp cau của xã Kỳ Phú…

Sản phẩm nông sản của cụm 3 xã: Yên Quang, Văn Phong, Lạng Phong.

Dành thời gian về dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan và tìm hiểu về tiềm năng du lịch, các sản phẩm nông sản của địa phương, bà Trần Thị Ninh (du khách thành phố Ninh Bình) bày tỏ ấn tượng về sự đa dạng của các sắc màu văn hóa vùng cao được hội tụ trong Ngày hội để người dân và du khách có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đồng thời, những tiềm năng về du lịch đặc sắc vùng cao và các sản phẩm nông sản chất lượng của địa phương luôn thu hút du khách bởi sự đa dạng, độc đáo…

Theo thống kê, trong 3 ngày diễn ra Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan đã có gần 45.000 lượt người dân và du khách đến tham dự. Riêng trên địa bàn xã Cúc Phương, các sản phẩm nông sản, sản vật địa phương được bày bán và các dịch vụ phục vụ du khách đã cho doanh thu ước đạt 2,6 tỷ đồng.

Bùi Diệu - PV

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/co-hoi-quang-ba-tiem-nang-du-lich-va-san-pham-dia-phuong/d20240306214712758.htm