Đào tạo-nghiên cứu-công nghệ cần phát triển song hành

Ngày 16/5, Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành, trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 diễn ra sáng 16/5. (Nguồn: Báo Công Thương)

Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 diễn ra sáng 16/5. (Nguồn: Báo Công Thương)

Ngày 16/5, Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành, trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Đây là sự kiện thường niên do Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (VNU- CSK) tổ chức, nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Với chủ đề "Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển Đại học định hướng đổi mới sáng tạo," diễn đàn nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho đổi mới, sáng tạo trong hệ thống giáo dục dại học của Việt Nam.

Tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, các trường đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong đi đầu thông qua sứ mệnh cung cấp nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật cụ thể nhằm xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, viện nghiên cứu… Đặc biệt, Thủ tướng đã ban hành nhiều đề án để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, thanh niên; hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tuy vậy, theo ông Tạ Đình Thi, việc hình thành, quản lý, vận hành hiệu quả các tổ chức đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện.

Cụ thể là chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào doanh nghiệp khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp, đặc biệt là việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, còn thiếu vắng sự gắn kết, liên kết, kết nối giữa 3 nhà (nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ tới đây cần được xem xét tổng thể những vấn đề nêu trên.

Đồng thời, phải đón bắt được xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới, trong đó có đại học định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đại học khởi nghiệp, chú trọng tinh thần, năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của người học.

Về phía các nhà trường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới.

Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao hàng đầu cả nước, Đại học Quốc gia Hà Nội đang định hướng phát triển theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo.

Những chính sách và hướng đi phù hợp trong quá trình xây dựng đại học đổi mới sáng tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã giúp giải phóng sức sáng tạo to lớn của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, đồng thời phát huy nguồn trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ nhà khoa học để tạo thành sức mạnh, năng lượng cho phát triển, đặc biệt là trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu thực tiễn về đại học đổi mới sáng tạo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Nếu các trường đại học không có năng lực đổi mới sáng tạo thì giáo dục đại học và khoa học công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức, gia tăng giá trị, nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học.

Để có đại học thế hệ thứ 3 (đại học đổi mới sáng tạo), châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đã có nền tảng, kinh nghiệm gần 200 năm đại học nghiên cứu (thế hệ thứ 2).

Trong lúc đó, Việt Nam mới chỉ có kinh nghiệm xây dựng đại học "định hướng nghiên cứu" khoảng 10 năm trở lại đây, nên còn nhiều thách thức đặt ra cho các trường đại học.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, đại học đổi mới sáng tạo chỉ được hình thành, phát triển khi đã đạt được điểm tới hạn. Đó là nền tảng của đại học có năng lực nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ, đào tạo-nghiên cứu-công nghệ phải phát triển song hành.

Nhân dịp này, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát động các chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ RnD to Startup 2024; Chương trình Ươm tạo và thương mại hóa sản phẩm công nghệ VNU X-Sience; Chương trình Hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học VNU-IP.

Ban điều hành Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học - Cao đẳng Việt Nam (VNEI) cũng chính thức ra mắt tại Diễn đàn lần này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dao-tao-nghien-cuu-cong-nghe-can-phat-trien-song-hanh-post950699.vnp