Đề xuất giảm thuế nhập khẩu hỗ trợ sản xuất trong nước

Thời gian qua, bên cạnh các giải pháp về giãn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng quan trọng hỗ trợ sản xuất trong nước.

Áp dụng mức thuế ưu đãi 0% nhiều mặt hàng, hỗ trợ sản xuất

Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Ảnh: Minh họa

Ảnh: Minh họa

Theo Bộ Tài chính, hiện nay mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng thức ăn chăn nuôi như bột mịn, bột thô, phụ phẩm sau giết mổ, cám, tấm,… cơ bản đã là 0%; trừ chế phẩm dùng trong chăn nuôi cho một số loài (chế phẩm cho gia cầm, lợn,…) có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 3%, khô dầu đậu tương là 2% (đây là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được một phần).

Việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đảm bảo nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Điều 10 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016, khuyến khích phát triển ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước để từng bước tạo chủ động về nguồn cung, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu.

Những loại nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được thì quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% để giảm giá thành sản xuất. Loại trong nước đã sản xuất được thì quy định mức thuế suất thấp phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cường sản xuất, đồng thời, hỗ trợ giảm giá thành thức ăn chăn nuôi.

Thời gian qua, bên cạnh các giải pháp về giãn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí, để tiếp tục hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, trong đó đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng quan trọng được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi như mặt hàng lúa mì từ 5% và 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% (mặt hàng ngô trong nước đã sản xuất được một phần).

Gần đây, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng khô dầu đậu tương (nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi) của một số bộ, ngành, hiệp hội. Kiến nghị này đã được Bộ Tài chính tổng hợp gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội về nội dung dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để hoàn thiện dự thảo nghị định và sẽ báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi để trình Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính sách thuế xuất nhập khẩu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, việc thực hiện các nghị định về ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) trong thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường xuất khẩu, hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

Chính sách thuế xuất nhập khẩu thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính sách thuế xuất nhập khẩu thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, duy trì biểu thuế đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu MFN quy định tại các nghị định đã đảm bảo phù hợp với cam kết cắt giảm thuế quan trong WTO và các cam kết quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Điều 11 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; đảm bảo duy trì lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc thực hiện các nghị định về biểu thuế đã góp phần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Qua đó, sản xuất trong nước được thúc đẩy phát triển, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, giai đoạn 3 năm qua, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN của một số nhóm mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: thép, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, lúa mỳ, ngô, thịt lợn, trang thiết bị y tế..., đã hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và sự tăng giá liên tục của những hàng hóa này trên thị trường trong nước và thế giới./.

Giảm thuế hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước

Thời gian qua, bên cạnh các giải pháp về giãn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí, để tiếp tục hỗ trợ ngành Chăn nuôi trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, trong đó đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng quan trọng được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi như mặt hàng lúa mì từ 5% và 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% (mặt hàng ngô trong nước đã sản xuất được một phần).

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-giam-thue-nhap-khau-ho-tro-san-xuat-trong-nuoc-151184.html