Đôi vợ chồng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của ngân hàng từ chiêu trò ranh ma
Hải và Vân Anh sử dụng các pháp nhân do mình thành lập, chỉ đạo, điều hành để ký các hợp đồng mua hàng hóa và các giấy tờ liên quan đến việc mua bán hàng hóa khống và xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống... qua đó chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của ngân hàng.
Ngày 22/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Sơn Hải (SN 1975, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần cửa cuốn Úc-SmartDoor và tuyên phạt bị cáo này 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng bị xét xử về tội danh trên, bị cáo Phạm Vân Anh (SN 1976, vợ bị cáo Hải) bị tuyên phạt 3 năm tù.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 1/4/2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận được đơn của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tố cáo Nguyễn Sơn Hải có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền vay của tổ chức tín dụng này.
Quá trình điều tra xác định, Hải là Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần cửa cuốn Úc-SmartDoor. Bố vợ Hải là Chủ tịch HĐQT và vợ Hải là Phó Giám đốc công ty này. Ngoài ra, vợ chồng Hải còn thành lập bốn công ty khác và nhờ người đứng tên trên danh nghĩa.
Từ tháng 3/2012 đến tháng 8/2012, Hải và Vân Anh đã có hành vi gian dối trong việc sử dụng các pháp nhân do mình thành lập, chỉ đạo, điều hành để ký các hợp đồng mua hàng hóa và các giấy tờ liên quan đến việc mua bán hàng hóa nhôm, thép không gỉ khống và xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống, nhằm tạo dựng hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng tiền và hồ sơ tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay.
Thực tế cho thấy, hàng hóa mua bán là nhôm, thép không gỉ không có thật, cũng không có việc mua bán hàng hóa giữa các công ty với nhau trong việc lập hồ sơ vay vốn của VIB Chi nhánh Hà Nội với tổng số hơn 28,9 tỷ đồng và được giải ngân theo 12 khế ước nhận nợ.
Sau khi được VIB giải ngân, Hải và Vân Anh không sử dụng tiền vay theo đúng mục đích vay vốn mà chuyển tiền lòng vòng qua các công ty, rồi dùng tiền đó trả nợ các khoản vay trước của Công ty cổ phần cửa cuốn Úc-SmartDoor tại VIB, Techcombank hoặc rút tiền mặt sử dụng vào các hoạt động khác của doanh nghiệp, qua đó chiếm đoạt tiền vay của ngân hàng.
Ngày 20/12/2017, Hải đã khắc phục hậu quả, trả toàn bộ tiền nợ gốc của 12 khế ước nhận nợ (số tiền được xác định mua bán hàng hóa khống) cho VIB với tổng số tiền 25,9 tỷ đồng. Dư nợ gốc còn lại là gần 7,7 tỷ đồng của 9 khế ước nhận nợ được xác định là mua bán hàng hóa thật.
Ngày 20/8/2018, VIB đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và Viện KSND TP Hà Nội đề nghị rút đơn tố cáo, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hải và Vân Anh do đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng không chấp thuận vì hành vi phạm tội của Hải và Vân Anh đã hoàn thành.