Dự thảo Luật Nhà giáo: Khó vẫn phải làm

Với 5 chính sách và 7 điểm mới, Dự thảo Luật Nhà giáo đang được lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà giáo đến giữa tháng 7. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà giáo đến giữa tháng 7. Ảnh: Quang Vinh.

Tạo thuận lợi cho nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo ghi nhận lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo(GDĐT) quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Đây sẽ là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Hiện nay, nhà giáo có 2 nguồn là người được đào tạo sư phạm và người học ngành khác có chứng chỉ sư phạm. Quan điểm của Bộ GDĐT là muốn trở thành nhà giáo cần có 3 yếu tố: kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng giảng dạy. Thiếu một trong những yếu tố này đều không thể làm tốt vai trò nhà giáo. Vì vậy, cần được đào tạo nghề và thi để được cấp chứng chỉ.

Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT, việc chuẩn hóa đội ngũ bằng chứng chỉ nhà giáo cũng đồng thời đem lại thuận lợi hơn cho nhà giáo nếu có những thay đổi trong hoạt động nghề nghiệp. Do chứng chỉ này có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự, giúp giảm được thủ tục cho nhà giáo trong các trường hợp như thuyên chuyển công tác giữa các cơ sở giáo dục dù trong hay ngoài công lập khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục. Đây cũng là minh chứng đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, khi chứng chỉ này được công nhận, dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Chứng chỉ hành nghề bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Liên quan đến việc đối tượng nào được cấp chứng chỉ hành nghề, ông Đức thông tin, tất cả các nhà giáo đã và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập, tư thục trước ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề không cần trải qua sát hạch. Các nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành sẽ phải tham dự kỳ thi sát hạch, nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Khẳng định Luật Nhà giáo chủ trương nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề không phải nhằm tạo sức ép về văn bằng chứng chỉ với nhà giáo mà là để phát triển, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, một nhà giáo có thể có nhiều văn bằng chứng chỉ, vừa có chứng chỉ dạy ở tiểu học, vừa có chứng chỉ dạy ở trung học, có thể cùng lúc làm nhiều việc nếu đủ năng lực.

Đạt được thống nhất cao

Ngày 22/4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất bổ sung Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đến thời điểm này, Chính phủ, các cơ quan Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cao với nội dung dự thảo luật, thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, với quan điểm cốt lõi là xây dựng luật để làm căn cứ pháp lý phát triển đội ngũ nhà giáo và không phân biệt nhà giáo trong và ngoài công lập.

Tuy nhiên, do đối tượng tác động của Luật Nhà giáo rất rộng và đa dạng ở các cấp học, các vùng miền… đồng thời phải đảm bảo không chồng chéo, không mâu thuẫn với các nội dung văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến nhà giáo như Luật Công chức, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm… nên Bộ GDĐT lắng nghe các ý kiến góp ý và dự kiến Luật Nhà giáo sẽ ban hành những điều cơ bản nhất. Ngoài ra còn phải có các văn bản dưới luật để quy định cụ thể hơn.

Hiện Bộ GDĐT đã tổ chức trên 100 buổi hội nghị, hội thảo, tham vấn khoảng 700.000 ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý các cấp, các chuyên gia, nhà khoa học và xây dựng dự thảo để trình các cấp có thẩm quyền theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-thao-luat-nha-giao-kho-van-phai-lam-10280303.html