Kiến nghị cho phép trường đại học địa phương được đào tạo hệ cao đẳng

Những năm gần đây, hệ thống các trường CĐ sư phạm, đại học địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ tiêu vong.

Hiện nay, tại các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương) đang tồn tại 2 loại hình giáo dục đại học địa phương là trường cao đẳng sư phạm địa phương và trường đại học địa phương (đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý), theo Luật Giáo dục 2019.

Những năm qua, sự tồn tại và phát triển của hệ thống giáo dục này đã góp phần rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và tỉnh/thành lân cận. Tuy nhiên trong những năm gần đây, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm, trường đại học địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ tiêu vong.

Trước bối cảnh cấp thiết đó, Câu lạc bộ các trường đại học địa phương (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) lên kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc”. Dự kiến hội thảo diễn ra vào ngày 10/5/2024 tại Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh).

Hội thảo góp tiếng nói khẳng định vai trò, sứ mệnh của hệ thống trường đại học địa phương

Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: website nhà trường

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang bày tỏ kỳ vọng hội thảo sẽ góp tiếng nói khẳng định vai trò, sứ mệnh của hệ thống trường đại học địa phương trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; đồng thời, khẳng định sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương đối với sự tồn tại và phát triển của các trường đại học địa phương là rất quan trọng.

Theo Phó giáo sư Võ Ngọc Hà, các trường đại học địa phương đã hoàn thành sứ mạng được đề ra, với những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực cao đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục và kinh tế xã hội của địa phương. Nhiều trường đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ giảng viên, số lượng giảng viên có chức danh phó giáo sư, trình độ tiến sĩ không ngừng tăng lên, cơ sở vật chất như phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành nghiệp vụ, thư viện ngày càng khang trang đủ điều kiện phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, trong xu thế phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn hiện nay, với việc phân tầng bên trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học nói chung và các trường đại học địa phương nói riêng và nhất là trong bối cảnh các trường phải thực hiện lộ trình tự chủ đại học trong cơ chế quản lý song trùng phụ thuộc với rất nhiều ràng buộc, bất cập đã đặt nhiều trường đại học địa phương đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển.

“Đây là một vấn đề bức xúc hàng đầu của các trường đại học địa phương đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kịp thời phối hợp với các bộ, ngành ở trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh giải quyết, tháo gỡ nhằm tiếp tục phát huy vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của loại hình trường này phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung”, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang nhấn mạnh.

Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang đang đọc sách tại thư viện. Ảnh: website nhà trường

Mặt khác, các trường đại học địa phương được thành lập được xem là một hoạt động đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với các trường công lập, nhiệm vụ chính trị không thể nằm ngoài mục tiêu phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong quá trình phát triển, các trường đại học địa phương nhận được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc đầu tư về các nguồn lực: tài chính (kinh phí hoạt động), cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Điều này giúp các trường có thế mạnh, có điều kiện phát triển bền vững, lâu dài.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hiện các trường đại học địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức so với các trường đại học thuộc trung ương quản lý.

Trong đó, theo Phó giáo sư Võ Ngọc Hà, việc đầu tư về xây dựng cơ sở vật chất, định hướng phát triển các trường địa phương đã được xác định rất rõ ràng nhưng tiến trình đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách của địa phương và chủ trương phát triển của địa phương theo từng giai đoạn. Do đó, thời gian và nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản cho các trường đại học địa phương không ổn định đã gây tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển của các trường.

Bên cạnh đó là sự trùng chéo, bất cập trong thể chế và cơ chế quản lý song trùng phụ thuộc giữa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các sở, ngành chuyên môn quản lý theo địa bàn, lãnh thổ với Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý theo ngành chuyên môn. Chính từ sự trùng chéo, bất cập trong thể chế và cơ chế quản lý dẫn đến việc thực quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học địa phương chưa cao so với các trường đại học ở các “tầng khác” và các trường tư thục.

Nguồn tuyển sinh của trường đại học địa phương cũng ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh “có sự cạnh tranh tuyển sinh gay gắt” từ các trường đại học thuộc các “tầng trên” (nói cách khác là các trường đại học trực thuộc sự quản lý của bộ, ngành trung ương).

Thiếu các chính sách đặc thù để giúp các trường đại học địa phương có thể phát triển phù hợp với bối cảnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Hồng Ngự - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam. Ảnh: Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam

Cùng niềm trăn trở với sự tồn tại và phát triển của hệ thống giáo dục đại học địa phương, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Hồng Ngự - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam đánh giá cao tầm quan trọng của hội thảo lần này.

“Cũng giống như tên hội thảo “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc”, tôi cho rằng đây là dịp quan trọng để các trường cùng đánh giá lại về vị trí, vai trò của hệ thống giáo dục đại học địa phương, về sự tồn tại và phát triển tất yếu của nó trong cơ chế hiện nay.

Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, hiện các trường đại học địa phương đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ tuyển sinh và nhập học thấp, chảy máu chất xám ồ ạt của đội ngũ giảng viên chất lượng cao; sự đứt gãy trong chu trình hợp tác phát triển với các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khoa học,... Do vậy, tôi mong rằng hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng nhằm tìm ra giải pháp phù hợp để duy trì phát triển mô hình đại học địa phương”, lãnh đạo Trường Đại học Quảng Nam bày tỏ kỳ vọng.

Kiến nghị cho phép trường đại học địa phương được đào tạo hệ cao đẳng

Nhằm phát huy vai trò của trường đại học địa phương trong duy trì nền giáo dục vì sự phát triển bền vững, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Hồng Ngự đề xuất một số kiến nghị.

Thứ nhất, xem xét cho phép các trường đại học địa phương đào tạo các ngành nghề trình độ dưới đại học phù hợp với nhu cầu của địa phương đó.

Cụ thể, theo chủ trương ban đầu của nhà nước, mô hình các trường đại học địa phương là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực và đào tạo từ trình độ đại học trở xuống. Tuy nhiên hiện nay, trường đại học địa phương chỉ còn đào tạo trình độ đại học trở lên, giống hệt đại học quốc gia, đại học vùng và các đại học khác. Điều này dẫn tới thế mạnh của trường đại học địa phương bị hạn chế, trong khi bản thân các trường đã có sẵn nguồn lực về đào tạo trình độ cao đẳng, đảm bảo về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, trang thiết bị và đào tạo những ngành học mà địa phương và xã hội có nhu cầu.

Theo Tiến sĩ Phạm Nguyễn Hồng Ngự, việc cho phép các trường đại học địa phương được đào tạo trình độ cao đẳng không chỉ đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp mà còn giải quyết những khó khăn trước mắt, mở thêm một hướng đi cho các trường đại học địa phương.

Thứ hai, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các trường đại học địa phương.

Đa số các trường đại học địa phương hiện nay đều có tiền thân là các trường cao đẳng, trung cấp tại các địa phương; có sự kế thừa cơ sở vật chất từ đơn vị đào tạo trước. Tuy nhiên hiện nay, nhiều cơ sở vật chất đã xuống cấp, việc tiếp cận các nguồn đầu tư công của các trường đại học địa phương còn nhiều khó khăn.

Trung ương, địa phương cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ về kinh phí (nguồn đầu tư công) nhiều hơn cho các trường đại học địa phương, đặc biệt là đầu tư về mặt công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu phát triển của giáo dục trong thời đại 4.0 cũng như tạo được thế mạnh trong cạnh tranh công bằng với các cơ sở đào tạo khác.

Thứ ba, cần có cơ chế chính sách đặc thù cho đội ngũ giảng viên ở các trường đại học địa phương.

Thứ tư, hỗ trợ trường đại học địa phương trong việc kêu gọi, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho sự phát triển của trường; kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Sinh viên Trường Đại học Quảng Nam. Ảnh: website nhà trường

Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cũng cho rằng, để tồn tại và phát triển, trường đại học địa phương rất cần nhận được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý; đồng thời, tự thân các trường phải hết sức nỗ lực trong việc tận dụng cơ hội, phát huy nội lực nhằm làm mới chính mình, phát huy được vai trò trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để các trường đại học địa phương tiếp tục thực hiện được vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó giáo sư Võ Ngọc Hà đề ra một số kiến nghị, giải pháp như sau:

Một, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý giáo dục đại học; trong đó, trọng tâm là có chính sách, cơ chế quản lý đặc thù đối với loại hình trường địa phương nhằm phát huy vai trò của loại hình trường này trong bức tranh tổng thể của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Hai, tận dụng tối đa ưu thế của trường đại học thuộc địa phương, tích cực, chủ động tham gia vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để không những là chỗ dựa vững chắc cho lãnh đạo tỉnh trong hoạch định mà còn là là lực lượng đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của địa phương, gắn sự tồn tại, phát triển của trường với sự phát triển của địa phương.

Ba, kịp thời điều chỉnh Chiến lược phát triển trường phù hợp với lộ trình tự chủ đại học và Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương kể cả định hướng phát triển của vùng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bốn, trong cơ cấu thành viên Hội đồng trường, Ủy ban nhân dân tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến việc cử thành viên là đại diện lãnh đạo quản lý nhà nước tham gia thành viên Hội đồng trường; đây chính là cầu nối quan trọng giúp lãnh đạo địa phương kịp thời nắm bắt tình hình, góp phần đưa ra chiến lược phát triển trường một cách phù hợp nhất trong tổng thể quy hoạch phát triển chung của địa phương; kịp thời điều chỉnh bổ sung các chính sách để tháo gỡ khó khăn và giúp nhà trường phát triển.

Năm, cần phải có sự liên kết cùng chia sẻ nguồn lực, hợp tác với nhau giữa các trường đại học địa phương nhằm phát huy thế mạnh đặc thù của từng trường, bổ trợ cho nhau từ đó mở rộng và phát triển được nhiệm đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là phạm vi địa phương mà còn mở rộng ra toàn vùng và khu vực hay cả nước.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kien-nghi-cho-phep-truong-dai-hoc-dia-phuong-duoc-dao-tao-he-cao-dang-post242591.gd