Kiến tạo môi trường pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo

Chiều 17/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu mở đầu Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là Tọa đàm đầu tiên với cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo. Dự thảo Luật Nhà giáo đã được đăng công khai trên Cổng thông tin Chính phủ, Bộ GD&ĐT để tiếp thu ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân và các cơ quan, đoàn thể; trong đó cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong định hướng truyền thông những vấn đề cốt lõi của dự án Luật.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Tọa đàm.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, dự án Luật Nhà giáo là luật khó, phạm vi lớn, tác động đến nhiều chính sách và liên quan đến nhiều văn bản mà các bộ, ngành đã ban hành. Trước đó, Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các thành phần khác. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo lấy ý kiến của dư luận xã hội, qua đó nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội. Quan trọng hơn là, bảo đảm luật sẽ đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả trong thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận, đây là dự án mới, khó nên càng cần phát huy trí tuệ của nhân dân, tầng lớp xã hội để dự án được hoàn thiện, đáp ứng mong mỏi của khoảng 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước.

Thông tin tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức cho biết, đã có gần 550.000 nhà giáo được lấy ý kiến phục vụ phân tích, hoàn thiện chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo. 5 chính sách đã được thiết kế trong dự thảo Luật gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo. Các chính sách được nêu tại dự thảo Luật nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo; tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề...

Quang cảnh Tọa đàm.

Quang cảnh Tọa đàm.

Nội dung nhận được sự quan tâm tại dự thảo Luật Nhà giáo là vấn đề tiền lương. Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thông tin, dự thảo Luật quy định nhà giáo được xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Trước câu hỏi của nhiều phóng viên về việc liệu mức tiền lương mới (theo đề xuất) có thấp hơn mức lương hiện tại hay không, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Theo quy tắc xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành Giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất. Theo quy định, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ, trong trường hợp thấp hơn, nhà giáo sẽ được bảo lưu mức cũ.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải bảo đảm không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức báo cáo việc triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, giới thiệu các nội dung quan trọng trong dự án Luật.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức báo cáo việc triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, giới thiệu các nội dung quan trọng trong dự án Luật.

Một trong những quy định mới thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành/lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Ngành Giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.

Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT nhận thức rõ đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là cơ hội để những những trăn trở, mong mỏi về nghề nghiệp nhà giáo sẽ được giải quyết trên một nền tảng vững chắc, đó là Luật. Sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5/2024, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.

Cụ thể, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Chứng chỉ hành nghề bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam...

Liên quan đến câu hỏi về việc những nhà giáo đang làm việc có phải tham gia khảo sát để được cấp chứng chỉ hành nghề hay không, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục giải đáp: Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực, sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kien-tao-moi-truong-phap-ly-de-phat-trien-doi-ngu-nha-giao-170839.html