Mỹ trên đà suy yếu vị thế quân sự ở Niger
Trong nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, Niger đã 'bắt tay' với Nga, 'quay lưng' với Mỹ. Sự chuyển hướng của Niger không chỉ phản ánh những thay đổi đáng kể của cục diện khu vực, mà còn làm rõ nét hơn xu hướng chung của cán cân quyền lực toàn cầu.
Quan hệ Mỹ - Niger “xuống dốc”
Theo giới quan sát an ninh quốc tế, Niger lâu nay luôn được xem là đối tác quan trọng của Mỹ ở Tây Bắc châu Phi, đặc biệt là trong các hoạt động chống khủng bố của siêu cường này tại khu vực trong gần một thập kỷ qua. Tuy nhiên, quan hệ giữa Niger và Mỹ ngày càng xấu đi, nổi bật nhất là việc Mỹ đã cắt phần lớn viện trợ quân sự và viện trợ nước ngoài cho Niger vào cuối năm ngoái, sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 7/2023.
Truyền thông quốc tế những ngày qua xôn xao việc một tư lệnh hàng đầu của quân đội Mỹ tại châu Phi đưa ra cảnh báo rằng, Nga đang gia tăng tầm ảnh hưởng ở “lục địa đen”. Trong khi đó, chính quyền quân sự của Niger - lực lượng nắm quyền trong cuộc đảo chính vào tháng 7/2023 tuyên bố sẽ chấm dứt hiệp định cho phép quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ hoạt động tại nước này, kể từ năm 2014 đến nay.
Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp căng thẳng vừa qua giữa chính quyền quân sự Niger và phái đoàn Mỹ. Theo truyền thông quốc tế, phái đoàn của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Nga tại Niger. Trong khi đó, phía Niger bày tỏ sự tức giận vì cho rằng, họ đang bị chỉ đạo. Cộng hưởng với nhiều động thái làm xấu đi quan hệ Mỹ - Niger trong thời gian qua, chính quyền quân sự Niger đã tuyên bố chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ, đồng thời cáo buộc thỏa thuận này là bất công.
Trong một tuyên bố vào ngày 17/3, Đại tá Amadou Abdramane - Phát ngôn viên Quân đội Niger nói: “Chính phủ Niger lấy làm tiếc về việc phái đoàn Mỹ từ chối quyền của Niger. Trong khi đó, Niger là quốc gia có chủ quyền trong việc lựa chọn đối tác ngoại giao, chiến lược, quân sự và các loại hình quan hệ đối tác có khả năng giúp nước này thực sự chống khủng bố”. Đại tá Amadou cũng cáo buộc rằng, phái đoàn của Mỹ có thái độ trịch thượng với Niger.
Theo bình luận của giới quan sát khu vực, sau cuộc đảo chính, chính quyền quân sự Niger cầm quyền điều hành đất nước và đã yêu cầu Pháp rút quân khỏi nước này, từ đó cắt đứt mối quan hệ còn lại với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm ngoái. Riêng với Mỹ, nhà cầm quyền hiện tại của Niger không yêu cầu rút lực lượng Mỹ khỏi đất nước, nhưng cũng đã dừng phần lớn các hoạt động chống khủng bố và huấn luyện của Mỹ với quân đội Niger. Được biết, Mỹ đã tiến hành các hoạt động chống khủng bố và huấn luyện quân đội Niger kể từ năm 2014.
Mỹ “lép vế” trước Nga
Phát biểu tại một cuộc điều trần vừa qua, Tướng Michael Langley, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) nói với các nghị sĩ rằng, Mỹ bị “lép vế” trước Nga trên khắp châu Phi trong những năm qua. Điều này đã, đang và sẽ tiếp tục giúp Nga thành công hơn nữa trong việc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực.
Bình luận về những ẩn khuất phía sau mối quan hệ Mỹ - Niger, giới quan sát cho biết, trong nhiều năm qua, một số nhà lãnh đạo quân sự Niger đã cộng tác và được Mỹ đào tạo trong khuôn khổ hợp tác an ninh giữa hai nước. Bởi vậy, Mỹ muốn duy trì sự hiện diện quân sự ở Niger và giới chức Mỹ cũng cho rằng, sự hiện diện này là vô cùng quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề khủng bố tại khu vực. Ngay cả trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Niger thời gian qua, Mỹ vẫn tin tưởng rằng, sự hiện diện quân đội Mỹ ở quốc gia châu Phi này là khả thi.
Tuy nhiên, với những biến động mạnh mẽ vừa qua, giới chức quân sự Mỹ liên tục cho thấy những lo ngại về việc Nga sẽ gia tăng hiện diện ở Niger, thiết lập một chỗ đứng vững chắc, trong khi phương Tây mất dần tầm ảnh hưởng. Giới quan sát nhìn nhận, với những diễn biến hiện tại, chưa thể khẳng định chính quyền quân sự Niger có xu hướng buộc quân đội Mỹ rời khỏi nước này, song kịch bản này có khả năng xảy ra.
Giới chuyên gia chính trị, an ninh quốc tế cùng chung nhận định, nếu Mỹ buộc phải rút quân khỏi Niger, các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ trên toàn khu vực có thể bị ảnh hưởng. Dễ thấy nhất là máy bay không người lái của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân ở thành phố Agadez của Niger giúp Mỹ giám sát các mối đe dọa ở khu vực Sahel từ một vị trí tương đối thuận lợi và ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh, các tổ chức khủng bố đang leo thang bạo lực ở một số nước láng giềng của Niger là Mali và Burkina Faso. Vì vậy, việc Mỹ mất “chỗ đứng” ở Niger chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất lợi. Mặt khác, việc Mỹ rút 650 quân đồn trú tại Niger cũng sẽ tạo ra khoảng trống để các tổ chức Hồi giáo cực đoan có thể khai thác.
Đề cập đến lợi ích mà Niger có được nếu “bắt tay” với Nga, giới chuyên gia nhìn nhận, Nga có thể bán khí tài cho Niger mà không đi kèm điều kiện về nhân quyền và tuân thủ các quy định khác như cách làm của Mỹ. Đặc biệt, Niger đang cần nguồn cung cấp khí tài ngay lập tức và Nga có thể bán vũ khí cho Niger nhanh hơn nhiều so với Mỹ.
Sự chuyển hướng của Niger sang Nga đã ngày càng rõ ràng, thể hiện khá sâu sắc trong lời tuyên bố của Phát ngôn viên Quân đội Niger mới đây. Theo đó, Đại tá Amadou chỉ trích rằng, trong nhiều năm qua, ánh mắt từ phương Tây thờ ơ với tình trạng khủng bố cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân Niger vô tội. Trong khi đó, Nga là đối tác mà Niger giao dịch trên cơ sở cấp nhà nước, theo các thỏa thuận hợp tác quân sự đã ký với chính phủ trước đây. Niger cần mua từ Nga các thiết bị quân sự cần thiết cho cuộc chiến chống khủng bố.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/my-tren-da-suy-yeu-vi-the-quan-su-o-niger-post473834.html