Phát triển đường sắt đô thị, giải pháp căn cơ khắc phục ùn tắc giao thông

Hình thành mạng lưới đường sắt đô thị được xem là một trong những trọng tâm ưu tiên trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Hà Nội đã quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị với mục tiêu tăng cường kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Đường sắt đô thị được xác định là xương sống của mạng lưới giao thông Hà Nội trong giai đoạn tới, hướng đến mục tiêu đáp ứng 30% nhu cầu đi lại của người dân ở khu vực trung tâm đô thị hạt nhân và 15-25% ở đô thị vệ tinh. Hà Nội đã quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có các tuyến đi qua khu vực trung tâm như: Yên Viên-Ngọc Hồi, Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, Văn Cao-Hòa Lạc... Hiện nay, đã có 1 tuyến đường sắt đô thị hoàn thành là tuyến Cát Linh-Hà Đông với chiều dài 13km và đang thi công tuyến Nhổn-ga Hà Nội, dự kiến sớm đưa vào hoạt động. Đường sắt đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách với số lượng lớn mà còn kết nối với các phương thức vận tải công cộng khác, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được đưa vào khai thác, sử dụng tại Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được đưa vào khai thác, sử dụng tại Hà Nội.

Mặc dù vậy, cần nhìn nhận thực tế, tốc độ mở rộng của mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội vẫn còn chậm, chưa gánh vác được vai trò chủ đạo của vận tải công cộng. Trong khi đó, dân số Thủ đô không ngừng gia tăng, áp lực lên hạ tầng giao thông hiện hữu ngày càng lớn, tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đang nghiên cứu, áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Theo đó, sẽ lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng tiếp cận và sự thuận tiện cho người dân khi đến các điểm trung chuyển, ga đường sắt đô thị. Ưu tiên, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng sẽ giúp giảm dần nhu cầu đi xe cá nhân, hướng tiến xây dựng đô thị văn minh, thân thiện, phát triển bền vững.

Muốn hiện thực hóa mục tiêu hình thành mạng lưới đường sắt đô thị rộng khắp, theo ý kiến chuyên gia, giải pháp quan trọng là thu hút nguồn lực và ưu tiên hàng đầu về quy hoạch. Tiến sĩ Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink nhìn nhận, quy hoạch là linh hồn của đô thị. Quy hoạch tốt không chỉ giúp đô thị văn minh, hiện đại, trật tự mà còn mở ra không gian phát triển, tạo tiền đề thu hút nguồn lực. Trong phát triển TOD cần lưu ý tới vấn đề quy hoạch đồng bộ của các dự án thành phần, các không gian liên quan và quá trình triển khai cũng cần thực hiện đồng bộ.

Cùng với các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm của các công trình giao thông trong nội đô cũng mang đến nhiều lợi ích, giúp gia tăng giá trị thặng dư về sử dụng đất, bảo vệ cảnh quan. Đây cũng là giải pháp tăng thêm không gian phát triển, hướng đến nhiều mục tiêu thu hút được nguồn lực, tạo ra giá trị, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phat-trien-duong-sat-do-thi-giai-phap-can-co-khac-phuc-un-tac-giao-thong-762060