Quyết định lịch sử trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ít ai biết được rằng, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã 4 lần phải lùi thời gian nổ súng. Không những vậy, Bộ Chỉ huy chiến dịch mà đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh chiến dịch đã có một quyết định mang tính lịch sử, đó là thay đổi phương châm tác chiến từ 'đánh nhanh, thắng nhanh' sang 'đánh chắc, tiến chắc' ngay trước giờ nổ súng. Đó là một quyết định mà sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân. Và nếu ngày đó không hoãn ngày nổ súng, thay đổi phương châm thì cuộc chiến có lẽ sẽ kéo dài thêm 10 đến 20 năm nữa.

Tại lán làm việc đơn sơ này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân là chuyển chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Bích Nguyên

Sau 2 lần lùi ngày nổ súng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định, ngày 26/1/1954 sẽ chính thức mở màn chiến dịch tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp. Theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sẽ giải quyết trận đánh trong 2 ngày 3 đêm.

Trước giờ nổ súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh chiến dịch đã triệu tập cuộc họp Đảng ủy chiến dịch, nêu rõ ý định tạm hoãn tiến công, kéo pháo ra, thu quân về điểm tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Lúc này, mọi công tác chuẩn bị cho chiến đấu theo phương án đánh nhanh, giải quyết nhanh đã hoàn tất, bộ đội chỉ chờ lệnh nổ súng. Nếu thay đổi phương châm cách đánh, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu phải làm lại từ đầu. Các đơn vị pháo binh phải kéo pháo ra vị trí tập kết ban đầu, bố trí lại. Các đại đoàn bộ binh tiếp tục chuẩn bị công sự, trận địa, hình thành thế bao vây đánh địch.

Trung tướng Đào Tuấn Anh, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng, quyết định này của Đại tướng đã phản ánh đúng thực tế tình hình chiến trường, với phương châm "đánh chắc, tiến chắc" sẽ giúp ta có lợi thế hơn về nghệ thuật tác chiến chiến dịch. "Về mặt nghệ thuật chiến dịch, thứ nhất, "đánh chắc, tiến chắc" có lợi hơn là cho phép ta tập trung ưu thế binh hỏa lực cho từng trận đánh, bảo đảm chắc thắng cho từng trận. Thứ hai là phù hợp với khả năng tác chiến và trình độ của bộ đội ta lúc đó, mới chỉ quen tác chiến cấp tiểu đoàn đánh độc lập, chưa trải qua thực tế đánh hiệp đồng quy mô lớn. Thứ ba là ta cũng có điều kiện để nghiên cứu nắm chắc địch, từng mục tiêu tiến công giành và giữ vững quyền chủ động, bảo đảm đánh chắc, chắc thắng mới đánh” – Trung tướng Đào Anh Tuấn phân tích.

Tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là trận đánh quy mô lớn đầu tiên, bộ đội ta chưa quen tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, lại chỉ quen tác chiến ban đêm, chưa có kinh nghiệm đánh ban ngày trong trận địa bằng phẳng, đối phương lại có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Nếu giữ nguyên phương án đánh nhanh, giải quyết nhanh, bộ đội sẽ thương vong lớn. Là người đã từng được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về quyết định lịch sử này, Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thấy được chiều sâu văn hóa và tính nhân văn cao cả trong quyết định của Đại tướng. Giáo sư Vũ Minh Giang khẳng định: “Trăn trở để đi tới quyết định đó thì có một yếu tố rất quan trọng là xót máu xương của người lính. Nếu "đánh nhanh, thắng nhanh" thì bộ đội ta sẽ phải hy sinh rất nhiều mà chưa chắc đã thắng. Cho nên chuyển sang đánh chắc là còn thể hiện tính nhân văn của một vị tướng mà không bao giờ đánh đổi chiến thắng lấy sự hy sinh vô cùng lớn của bộ đội”.

Trong bối cảnh lúc đó, Đại tướng là người chịu trách nhiệm cao nhất, quyết định của Đại tướng ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện chiến trường và cả cuộc chiến tranh. Vì lẽ đó, sau khi đã cân nhắc kỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kiên quyết giữ vững lập trường trước Đảng ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch, cần phải thay đổi phương châm, cách đánh, dù cách đánh ấy đã thành nghị quyết, đang triển khai. Đại tá Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho rằng, quyết định này không những thể hiện tài năng, tư duy tầm nhìn chiến lược, mà còn thể hiện bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khu di tích Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên hơn 30km đã thu hút du khách từ các tỉnh, thành khắp cả nước về đây tham quan, tìm hiểu về cụm di tích lịch sử quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang. Ảnh: Bích Nguyên

“Quyết định thay đổi phương châm tác chiến thể hiện tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, căn cứ trên thực tế chiến trường thì Đại tướng nói rằng không thể “đánh nhanh, thắng nhanh” như phương châm ban đầu. Lý do thứ nhất, lúc đấy pháo chúng ta đưa vào nhưng chưa được củng cố công sự, trận địa, mà pháo binh của Pháp là bậc thầy của phản pháo. Thứ hai, ở Điện Biên Phủ, Pháp đã tăng cường lực lượng, cho nên phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm cách đánh và thực tế, việc xác định phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thì chúng ta đã giành được thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ” - Đại tá Lê Thanh Bài nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Phạm Minh Thế, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận: “Vì đây là một trận quyết chiến chiến lược, quyết định sự thành bại của các cuộc kháng chiến của chúng ta trong 9 năm, chứ không phải là một chiến dịch nhỏ lẻ đơn thuần. Do đó, ta lại càng không thể chủ quan khinh địch mà nóng vội "đánh nhanh, thắng nhanh", nhất là khi so sánh tương quan lực lượng thì lực lượng và điều kiện của ta không hoàn toàn áp đảo được đối phương. Sự thay đổi về phương châm tác chiến chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là một quyết định lịch sử. Nó thể hiện bản lĩnh trí tuệ, sự sáng tạo độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh”.

Quyết định chuyển phương châm tác chiến từ đánh nhanh, giải quyết nhanh, sang "đánh chắc, tiến chắc" sau đó được cấp tốc báo về Trung ương ở An toàn khu Việt Bắc và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nhất trí tán thành. Và thực tế, lịch sử đã chứng minh quyết định thay đổi phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đúng đắn. Sau 56 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm được coi là pháo đài bất khả xâm phạm, bắt sống tướng Đờ Cát-tơ-ri, viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ trong thế kỷ 20.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyet-dinh-lich-su-trong-cuoc-doi-cam-quan-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-post475448.html